MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu ngữ ở Barcelona ủng hộ độc lập của xứ Catalonia. Ảnh: AP

Xứ Catalonia theo đuổi ý định ly khai Tây Ban Nha: Bước ngoặt rẽ về đâu?

NGẠC NGƯ LDO | 11/09/2017 15:00

Chuyện xảy ra ở Tây Ban Nha nhưng lại liên quan trực tiếp đến cả EU và Châu Âu. Chuyện chẳng mới mẻ gì đối với đất nước này, đối với EU và cả Châu Âu nhưng rất có thể sẽ là bước ngoặt quyết định mới làm cho chuyện không còn như trước nữa mà trở thành chuyện hoàn toàn khác với tác động làm cho Tây Ban Nha, EU và Châu Âu không còn được như trước nữa. Chuyện ấy là chuyện xứ Catalonia theo đuổi ý định ly khai Tây Ban Nha.

Bước ngoặt mới

Về phương diện pháp lý, vùng Catalonia thuộc về Tây Ban Nha. Đã từ khá lâu rồi, nó có được nhiều quyền tự trị sâu rộng hơn hẳn những vùng miền khác ở Tây Ban Nha. Sự khác biệt về lịch sử, văn hoá, tôn giáo và sắc tộc dai dẳng từ quá khứ xa xưa đến nay làm cho giữa vùng này và phần còn lại của Tây Ban Nha luôn có khoảng cách lớn mà chính quyền trung ương ở thủ đô Madrid không khắc phục nổi.

Để làm nguôi ngoai khát vọng độc lập của xứ Catalonia, chính quyền trung ương ở Tây Ban Nha đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt để nhượng bộ các quyền tự trị sâu rộng kia cho xứ Catalonia. Phong trào đòi độc lập ở Catalonia theo thời gian không vì thế mà suy giảm, lại càng không có chuyện nguội tắt.

Nó trỗi dậy mạnh mẽ ở Catalonia khi trào lưu ly khai lãnh thổ ở Châu Âu phát triển rõ rệt và ly khai trong EU cũng sôi động, khi sự bất bình của dân chúng Tây Ban Nha với chính quyền trung ương gia tăng và khi kinh tế nước này gặp khó khăn. Catalonia là vùng phát triển năng động nhất ở Tây Ban Nha và người dân ở nơi đây không muốn cứ mãi là con bò sữa cho phần còn lại của Tây Ban Nha.

Bước ngoặt mới trong câu chuyện này hiện đang ở phía trước Tây Ban Nha và xứ Catalonia sau khi Nghị viện vùng Catalonia thông qua bộ luật về tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 1.10 tới để dân chúng quyết định Catalonia tiếp tục là một phần của Tây Ban Nha hay sẽ trở thành nước Cộng hoà Catalonia - sẽ là nhà nước quốc gia mới nhất ở Châu Âu và trên thế giới.

Nghị viện vùng này còn ban hành luôn cả những luật lệ đi cùng cho trường hợp kết quả cuộc trưng cầu dân ý là sự ủng hộ của dân chúng cho Catalonia trở thành quốc gia độc lập. Theo đó, chỉ sau đấy có 48 giờ, xứ Catalonia sẽ chính thức tách khỏi Tây Ban Nha. Hiến pháp tạm thời đã được chuẩn bị. Tuyên ngôn độc lập cho xứ này cũng đã được soạn thảo.

Năm ngoái, ở nơi đây cũng đã có cuộc trưng cầu dân ý không chính thức với kết quả là đa số áp đảo dân chúng muốn Catalonia chia tay Tây Ban Nha. Nếu chuyện chỉ như vậy và đi theo lộ trình ấy thì việc trả lời cho câu hỏi bước ngoặt rẽ về đâu thật chẳng khó gì.

Hệ luỵ khó lường của cuộc chia tay

Nhưng chuyện lại không đơn giản như thế. Chính quyền trung ương ở thủ đô Madrid đã sử dụng ngay toà án hiến pháp để cấm xứ Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý và đã có biện pháp hành chính cũng như an ninh để không cho chính quyền xứ Catalonia hoàn tất những công việc chuẩn bị về hậu cần kỹ thuật để có thể tiến hành được cuộc trưng cầu dân ý.

Bước ngoặt kia chưa đến thì nước này đã lâm vào cuộc khủng hoảng hiến pháp khi chính quyền vùng Catalonia kiên quyết bất chấp cả chính quyền trung ương lẫn toà án hiến pháp và kiên định quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý cũng như lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị xã hội khi cuộc trưng cầu dân ý vẫn được xứ Catalonia quyết tâm thực hiện bằng mọi giá. Như thế có nghĩa là đối địch cả về pháp lý lẫn chính trị, cả về quyền lực lẫn uy danh trong xã hội.

Từ nay cho tới ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý như dự kiến (1.10) còn thừa đủ thời gian để xảy ra nhiều biến động bất ngờ nữa. Sẽ là thảm hoạ về mọi phương diện đối với đất nước Tây Ban Nha khi cả đến cảnh sát hay quân đội, toà án hay chính phủ phải sử dụng cả đến những biện pháp bạo lực hoặc ngấp nghé giới hạn của hiến pháp để ngăn chặn và cản phá cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ cần để xảy ra bạo lực hay hỗn loạn trong ngày 1.10 tới ở vùng Catalonia thì cũng đủ để làm cho cả hai cuộc khủng hoảng kia trở nên trầm trọng và tai hại hơn.

Cho nên ở phía bên kia bước ngoặt đang chờ đến này là sự chia tay giữa Tây Ban Nha và xứ Catalonia hoặc sự sâu sắc thêm mối bất hoà giữa hai bên với nhau. Bước ngoặt rẽ về lối nào, hướng nào thì cũng đều tai hại đối với Tây Ban Nha và EU.

Hậu quả và hệ luỵ của cuộc chia tay hiện thật khó lường không kém gì hậu quả và hệ luỵ của việc mối bất hoà này trầm trọng thêm và khó khắc phục thêm đối với Tây Ban Nha và EU. Dù có rẽ vào lối nào thì chuyện xứ Catalonia cũng đều khích lệ trào lưu ly khai lãnh thổ ở Châu Âu, đẩy châu lục này và EU đến trước những thách thức mới làm cho tương lai của châu lục và EU thêm ảm đạm chứ không phải ngược lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn