MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành phố London, Vương quốc Anh. Ảnh: Wiki

Xuất hiện hoài nghi về vị thế tài chính hàng đầu của London

Ngọc Vân LDO | 18/09/2023 17:21

Thủ đô London của Vương quốc Anh có thể mất ngôi vị trung tâm tài chính hàng đầu.

Theo đa số giám đốc điều hành tại các tập đoàn lớn được Lloyds Bank thăm dò, London có thể mất vị trí thủ đô tài chính hàng đầu thế giới - vị thế mà London chia sẻ với New York (Mỹ).

Theo tờ báo kinh doanh City A.M, cuộc khảo sát các tổ chức tài chính của Ngân hàng Lloyds cho thấy 64% lãnh đạo ngành cho rằng Thành phố London (City of London) sẽ tụt hậu so với các đối thủ với tư cách là một trung tâm toàn cầu.

Thành phố London - thường được gọi đơn giản là Thành phố (City) - là khu lõi lịch sử của vùng thủ đô London. Thành phố London thường được sử dụng như một thuật ngữ để nói về ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của Anh, đồng thời cũng là nơi đặt trụ sở của cả Sở giao dịch chứng khoán London và Ngân hàng Anh.

Lisa Francis, giám đốc điều hành khối doanh nghiệp lớn và các định chế của Lloyds Bank nói: “Vị thế trung tâm tài chính hàng đầu của Thành phố London đang ở thời điểm lung lay”.

Thành phố London được cho là đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Một số công ty đã dần dần từ bỏ thị trường niêm yết ở London để chọn các sàn giao dịch chứng khoán lớn khác.

Nhà thiết kế chip Arm của Anh đã ra mắt thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của New York sau khi chính phủ Anh không thuyết phục được công ty công nghệ này niêm yết tại Anh.

Một phần tư các công ty được ngân hàng khảo sát cho biết họ muốn chuyển một số nhân viên tại Vương quốc Anh ra nước ngoài nếu London mất vị thế là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.

David Gauke, người đứng đầu chính sách công tại hãng luật Macfarlanes và là cựu Bộ trưởng Tài chính, cho biết: “Một số yếu tố, bao gồm bất ổn chính trị, Brexit và cạnh tranh quốc tế gia tăng, có nghĩa là chúng tôi không thể tự mãn rằng London sẽ luôn đứng đầu”.

Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Anh lúc đó là Jeremy Hunt đã công bố một gói cải cách được gọi là cải cách Edinburgh để giải quyết lo ngại. Các biện pháp này nhằm mục đích “mở khóa đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng” bằng cách bãi bỏ “những điều luật nặng nề của EU vẫn còn tồn tại”.

Cho đến nay, chính phủ Anh đã thông qua Dự luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính hàng đầu cho phép các cơ quan quản lý địa phương đưa ra các quyết định vốn được đưa ra trước đây ở cấp độ toàn EU.

Khoảng 80% số người được hỏi cho biết mối quan hệ tốt hơn giữa Anh và EU sẽ giúp nâng cao vị thế của London. 2/5 cho rằng nên nới lỏng các quy định nhập cư đối với người lao động có tay nghề.

Ông Gauke nói: “Vương quốc Anh cần chứng minh rằng chúng tôi cam kết trở thành một nền kinh tế mở, sẵn sàng thu hút nhân tài và đầu tư vào đây, sẵn sàng đón nhận sự đổi mới nhưng cũng có khả năng mang lại sự ổn định về chính trị và pháp lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn