MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các giàn khoan cung cấp nguồn tài nguyên dầu khí có giá trị. Ảnh: Oilprice

Xung đột Nga - Ukraina chuyển hướng sang dầu khí Biển Đen

Ngọc Vân LDO | 30/08/2023 17:51

Nga và Ukraina đang tranh giành các giàn khoan dầu khí chiến lược ở Biển Đen, theo tình báo Anh.

Báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh ngày 27.8 cho biết, xung đột Nga - Ukraina chuyển hướng sang các giàn khoan dầu khí chiến lược ở Biển Đen.

“Các giàn khoan này được vận hành bởi công ty dầu khí Chernomorneftegaz, vốn bị Nga kiểm soát sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Ukraina đã tấn công một số giàn khoan do Nga kiểm soát. Cả Nga và Ukraina cũng định kỳ đưa quân đội đến đây” - báo cáo viết.

Theo báo cáo, các giàn khoan này cung cấp "nguồn tài nguyên hydrocarbon có giá trị" và cũng có thể được sử dụng để đặt các hệ thống tên lửa tầm xa, làm bãi đáp trực thăng hoặc làm căn cứ hỗ trợ các mục tiêu chiến lược và mục tiêu chiến thuật.

Biển Đen đã trở thành điểm nóng của hoạt động quân sự trong cuộc xung đột Nga - Ukraina. Ukraina nhiều lần tấn công một số giàn khoan do Nga kiểm soát ở Biển Đen, trong đó có 3 giàn khoan khí đốt.

Giám đốc tình báo Ukraina Kyrylo Budanov tiết lộ, Ukraina thường xuyên sử dụng nhiều máy bay không người lái công nghệ cao trong khu vực Biển Đen.

Theo ông Budanov, các máy bay không người lái của hải quân Ukraina đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Tuy nhiên phía Nga cho biết đã tiêu diệt 60-70% số UAV này.

Trong khi đó, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga vẫn duy trì dòng khí đốt đến châu Âu thông qua điểm Sokhranovka bất chấp tranh chấp quá cảnh đang diễn ra với công ty Naftogaz của Ukraina.

Trang Energy Intelligence dẫn dữ liệu của Gazprom cho biết, lưu lượng quá cảnh qua Ukraina vẫn ổn định ở mức 40 triệu mét khối mỗi ngày.

Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller trước đó dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Naftogaz khi hãng này tiếp tục theo đuổi vụ kiện trọng tài về việc Gazprom không thanh toán phí vận chuyển.

Doanh thu và lợi nhuận của Gazprom bị giảm sau khi châu Âu cắt mạnh việc mua khí đốt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Lợi nhuận của Gazprom trong năm tài chính 2022 đạt 1,226 nghìn tỉ rúp (15,4 tỉ USD), thấp hơn 41% so với năm 2021.

Gazprom đã quyết định không trả cổ tức cho cả năm 2022, dù trước đó đã trả cổ tức tạm thời là 1.208 tỉ rúp (15 tỉ USD) vào mùa thu năm ngoái cho kết quả được ghi nhận trong nửa đầu năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn