MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xương thiếu nữ cổ đại hơn 7.000 năm hé lộ tộc người hoàn toàn mới

Thanh Hà LDO | 26/08/2021 14:22
Bộ xương hơn 7.000 năm của một thiếu nữ thời săn bắn hái lượm trên đảo Sulawesi, Indonesia, kể câu chuyện về một tộc người chưa từng được biết đến trước đây.

Nghiên cứu mới công bố ngày 25.8 trên tạp chí Nature cho biết, dòng dõi người đặc biệt này chưa từng được tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. 

"Chúng tôi đã phát hiện ra ADN của con người cổ đại đầu tiên ở vùng đảo giữa Châu Á và Australia được gọi là "Wallacea". ADN này cung cấp thông tin mới sâu sắc về sự đa dạng di truyền và lịch sử dân số của loài người hiện đại đầu tiên ở khu vực ít được tìm hiểu này của thế giới" - đồng tác giả Adam Brumm, giáo sư khảo cổ học tại Trung tâm Nghiên cứu Australia về Tiến hóa Con người thuộc Đại học Griffith, chia sẻ. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng, những người hiện đại đầu tiên đã đến vùng đảo Wallacea, chủ yếu là các đảo của Indonesia gồm Sulawesi, Lombok và Flores, khi di chuyển từ lục địa Á-Âu đến lục địa Australia hơn 50.000 năm trước.

Các công cụ và tranh vẽ hang động cho thấy con người đã sống trên những hòn đảo này cách đây 47.000 năm, nhưng mẫu hóa thạch rải rác và ADN cổ đại không được bảo tồn tốt trong môi trường nhiệt đới. 

Dù vậy, các nhà nghiên cứu phát hiện bộ xương một thiếu nữ khoảng 17 đến 18 tuổi trong hang động trên đảo Sulawesi năm 2015. Hài cốt của thiếu nữ cổ đại được chôn cất trong hang cách đây 7.200 năm.

Thiếu nữ này là thành viên của nền văn hóa Toalean, chỉ được tìm thấy trong một khu vực bán đảo phía tây nam của Sulawesi. Hang động là một phần của khu khảo cổ Leang Panninge.

Toalean là tên mà các nhà khảo cổ đặt cho nền văn hóa khá bí ẩn của những người săn bắn hái lượm thời tiền sử sống ở vùng đồng bằng và núi rừng Nam Sulawesi từ khoảng 8.000 năm trước cho đến khoảng thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Những người săn bắn hái lượm này đã tạo ra những công cụ bằng đá rất đặc biệt, có cả những đầu mũi tên nhỏ được chế tác tinh xảo, không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên đảo hoặc khắp Indonesia.

Các nhà khoa học cho hay, bộ xương của thiếu nữ người săn bắn hái lượm trẻ tuổi rất hoàn chỉnh và là bộ xương được bảo quản tốt đầu tiên liên quan tới văn hóa Toalean.

Tác giả chính của nghiên cứu là  Selina Carlhoff, ứng viên tiến sĩ tại Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại ở Jena, Đức, đã lấy ADN từ xương ở hộp sọ.

Việc này mang tới thông tin di truyền rất đáng giá. Bộ gene lâu đời nhất có nguồn gốc từ quần đảo Wallacea tiết lộ thiếu nữ thuộc về một loài người cổ đại chưa từng được biết đến trước đây.

Thiếu nữ này vừa là hậu duệ của làn sóng người hiện đại đến Wallacea 50.000 năm trước đồng thời cũng có tổ tiên là một nhóm người riêng biệt, đặc trưng từ Châu Á có khả năng đến đây sau thời kỳ thuộc địa ban đầu của Greater Australia tức thời kỳ kết hợp lục địa kỷ băng hà của Australia và New Guinea.

"Nó gợi ra rằng có thể đã có một nhóm người hiện đại khác biệt trong khu vực này mà chúng ta thực sự chưa biết về họ cho tới ngày nay khi các địa điểm khảo cổ ở Wallacea rất hiếm và các bộ xương cổ xưa cũng vậy" - ông Brumm nói. Không có hậu duệ của dòng dõi này còn sót lại tới ngày nay. 

Bộ gene của thiếu nữ cũng bao gồm một dấu vết khác của loài người bí ẩn và đã tuyệt chủng: Người Denisovan. Một số ít hóa thạch về người Denisovan phần lớn đến từ Siberia và Tây Tạng.

Đồng tác giả nghiên cứu Johannes Krause, giáo sư về di truyền cổ tại Viện Max Planck cho biết: “Thực tế là gene của họ được tìm thấy trong những người săn bắn hái lượm ở Leang Panninge ủng hộ giả thuyết trước đây của chúng tôi rằng người Denisovan bao phủ một khu vực địa lý lớn hơn nhiều so với hiểu biết trước đây”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn