MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết quả nghiên cứu của WHO đã gây bất ngờ khi chỉ ra thuốc remdesivir không giúp ích cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: AFP

Ý kiến trái ngược về kết quả nghiên cứu thuốc remdesivir của WHO

Phương Linh LDO | 17/10/2020 12:01
Nghiên cứu của WHO đã chỉ ra thuốc remdesivir không giúp ích cho bệnh nhân COVID-19 nặng, tuy nhiên kết quả này đã gây nhiều ý kiến trái ngược.

Mainichi đưa tin, kết quả được công bố hôm 16.10 không phủ nhận những kết quả trước đó, và nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nghiêm ngặt như nghiên cứu trước đó do Viện Y tế Quốc gia Mỹ dẫn dắt thực hiện. Nhưng các kết quả này đã làm tăng thêm mối quan tâm về giá trị mà loại thuốc đắt tiền remdesivir mang lại vì không có nghiên cứu nào chỉ ra nó có thể cải thiện khả năng sống sót.

Thuốc remdesivir chưa được phê chuẩn để điều trị COVID-19 ở Mỹ, nhưng đã được phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sau khi nghiên cứu trước đó cho thấy nó rút ngắn thời gian hồi phục trong trung bình năm ngày. Remdesivir được phê chuẩn để điều trị COVID-19 ở Vương quốc Anh và Châu Âu, và là một trong những phương pháp điều trị cho Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông mắc COVID-19 hồi đầu tháng.

Nghiên cứu của WHO có sự tham gia của hơn 11.000 bệnh nhân ở 30 quốc gia. Khoảng 2.750 người được chỉ định ngẫu nhiên để điều trị bằng remdesivir. Những người còn lại được dùng thuốc sốt rét hydroxychloroquine, interferon tăng cường hệ miễn dịch, kết hợp kháng virus lopinavir-ritonavir, hoặc chỉ chăm sóc thông thường. Sau các nghiên cứu trước đây, phần lớn các thuốc khác đã được loại khỏi dùng trong điều trị COVID-19, ngoại trừ remdesivir.

So với chăm sóc thông thường, những người được tiêm remdesivir có tỉ lệ tử vong sau 28 ngày, nhu cầu về máy thở và thời gian nằm viện tương đối giống nhau.

Các kết quả chưa được công bố trên tạp chí hoặc được các nhà khoa học độc lập xem xét, nhưng đã được đăng tải trên một trang web mà các nhà nghiên cứu sử dụng để chia sẻ nhanh kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái ngược xung quanh kết quả nghiên cứu mới này của WHO.

Giáo sư Martin Landray tại đại học Oxford, người đứng đầu một nghiên cứu khác về điều trị COVID-19, cho biết: “Điểm đáng chú ý nhất là phát hiện ra rằng remdesivir không tạo ra tác động ý nghĩa nào đối với sự sống còn”.

Ông cũng cho rằng, loại thuốc này có giá khoảng 2.550 USD cho mỗi liệu trình, do đó, cần phải có các phương pháp điều trị có giá cả hợp lí hơn và có thể áp dụng rộng rãi cho phần lớn bệnh nhân mắc COVID-19 trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, cho rằng sự khác biệt giữa các kết quả nghiên cứu về remdesivir là nghiên cứu của WHO có quy mô rộng hơn với số lượng người tham gia tăng gấp 4 lần so với tất cả các nghiên cứu khác.

Trong khi đó, Tiến sĩ Andre Kalil, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của đại học Nebraska, dẫn dắt nghiên cứu về remdesivir của Mỹ, cho rằng nghiên cứu của WHO được thiết kế kém dẫn đến kết luận cũng ít tin cậy. Nghiên cứu này cũng không sử dụng giả dược, thiếu nhiều thông tin cần thiết.

Gilead Sciences - nhà sản xuất thuốc remdesivir - cho biết, kết quả nghiên cứu của WHO trái ngược với các nghiên cứu nghiêm ngặt hơn, đồng thời nghiên cứu này chưa được xem xét hoặc công bố đầy đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn