MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

SEA Games 31 và lời chia tay của những tượng đài

AN NGUYÊN LDO | 30/05/2022 15:14

Nhiều vận động viên kì cựu đã quyết định giã từ đội tuyển quốc gia sau SEA Games 31. Đó là điều đáng tiếc song cũng là cơ hội để lớp kế cận có cơ hội thể hiện khả năng của mình.

Lời chia tay trên sân nhà

SEA Games 31 chứng kiến rất nhiều màn toả sáng của các vận động viên kì cựu. Ở môn điền kinh, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lai tiếp tục “phủ sóng” các đường chạy. Trần Quốc Cường tiếp tục giành vàng bắn súng hay sự trở lại ở tuổi U50 của Phạm Văn Mách ở môn thể hình.

Ở bộ môn wushu, Phạm Quốc Khánh với 7 lần liên tiếp dự SEA Games đã có lời chia tay vô cùng ngọt ngào. Anh giành 1 huy chương vàng đao nam và 1 huy chương bạc côn thuật nam. Anh quyết định chia tay nghiệp thi đấu trong kỳ Đại hội trên sân nhà với thành tích đồ sộ 4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Ngoài ra, những tượng đài như Nguyễn Tiến Minh ở bộ môn cầu lông, Trần Lê Anh Tuấn ở billiards-snooker,… dù không có được thành tích tốt nhất nhưng vẫn là ngôi sao chói sáng ở vị trí của mình. 

Xạ thủ Trần Quốc Cường từ giã đội tuyển bắn súng Việt Nam sau kỳ SEA Games 31 trên sân nhà. Ảnh: Thanh Vũ

Câu nói “gừng càng già càng cay” thậm chí còn đúng với rất nhiều bộ môn thể thao khác, mang tính đồng đội như bóng đá và futsal. Ở môn futsal nam, không loại trừ khả năng đây sẽ là kỳ SEA Games cuối cùng của các cựu binh từng 2 lần dự World Cup như Phạm Đức Hoà, Lê Quốc Nam hay Trần Văn Vũ.

Việc SEA Games 32 không có môn futsal khiến cơ hội để tiếp tục được dự Đại hội Đông Nam Á của các cầu thủ này nhỏ đi khá nhiều. Dù chỉ có được huy chương đồng trên sân nhà, nhưng vai trò của các trụ cột vẫn là rất lớn khi họ phải gánh vác đàn em còn non kinh nghiệm.

Tương tự như vậy là môn bóng đá nữ khi Huỳnh Như, Tuyết Dung vẫn là sự khác biệt quá lớn về đẳng cấp. Bộ đôi này chơi bóng “đúng với trình độ World Cup”. Họ chính là điểm nhấn của tuyển nữ Việt Nam cùng với các đồng đội trẻ hơn nhưng cũng đầy kinh nghiệm là Hải Yến, Chương Thị Kiều, Kim Thanh,…

Cơ hội cho lớp trẻ

“Gừng càng già càng cay” nhưng “tre già, măng mọc”, đó là quy luật vận hành của thể thao đỉnh cao. Ngay sau khi giành vàng, vận động viên kì cựu Trần Quốc Cường nói: “Ở địa phương rất trân quý những thành tích của các vận động viên, bởi họ mong đợi sau những sự đầu tư lớn cho thể thao thì phải có kết quả gì đó.

Mình phải có thành tích để lớp sau được duy trì, nếu không thì sẽ khó cho thế hệ đi sau”.

Những lớp vận động viên như Trần Quốc Cường, Phạm Quốc Khánh, Nguyễn Tiến Minh,… đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong sự nghiệp kéo dài 20 năm qua. Các nhà quản lý thể thao có thể tin tưởng rằng, việc tìm ra người kế cận không phải quá khó, nếu như có sự đầu tư căn cơ và hợp lý.

Ở môn cầu lông, Lê Đức Phát và Nguyễn Thị Thuỳ Linh dù chưa phải quá xuất sắc, nhưng vẫn còn thời gian để họ tiến bộ, phát triển và “đuổi theo” các đàn anh đi trước. Ở môn bơi lội, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Quang Thuấn hay Trần Hưng Nguyên trở thành niềm hy vọng mới sau Huy Hoàng, Quý Phước hay Ánh Viên.

Ngoài ra, những Văn Quỳnh Phương (dance sport), Lê Chúc An (golf),… là các tài năng ở lứa tuổi “teen”, hoàn toàn có thể toả sáng trong tương lai.

Phạm Thanh Bảo là niềm hy vọng của bơi lội Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Đăng

Riêng ở bộ môn bóng đá nữ vốn tạo nên danh tiếng cho Việt Nam nhiều năm qua, huấn luyện viên Mai Đức Chung đã tạo ra một lứa cầu thủ có thể kế cận đàn chị. Có thể kể đến Nguyễn Thị Thanh Nhã, Nguyễn Thị Vạn, Trần Thị Duyên, Trần Thị Hải Linh, Ngân Thị Vạn Sự hay Cù Thị Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Ngân.

SEA Games 31 là kì Đại hội chứng kiến sự chuyển tiếp của các thể hệ ở nhiều môn thể thao của Việt Nam. Chúng ta đang trong giai đoạn vươn mình mạnh mẽ và SEA Games vẫn là bước đệm đặc biệt quan trọng với các vận động viên trẻ, trước khi họ trở thành “hạt nhân” của thể thao nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn