MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu trụ hạng, Sài Gòn FC sẽ được thưởng 10 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần tiền thưởng của đội vô địch V.League 2022. Ảnh: VPF

10 tỉ tiền thưởng dành cho suất trụ hạng và sự trêu ngươi bóng đá Việt

TAM NGUYÊN  LDO | 01/10/2022 06:30

Tài chính ở V.League, vẫn cứ là một câu chuyện gì đó thực sự “trêu ngươi” với cảm nhận của mọi người.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Câu lạc bộ Cần Thơ ở giải hạng Nhất đã được trả về cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ. Đó là một câu chuyện buồn, dù chỉ vài tháng trước, đội bóng đón nhận sự hiện diện của một số tên tuổi nổi tiếng về làm việc, giữ các vị trí quan trọng, trong mục tiêu phục hưng bóng đá miền Tây Nam Bộ.

Nhà tài trợ chính thoái lui, câu lạc bộ không có tiền, nợ lương, nợ thưởng, nợ lót tay… Ban điều hành không tìm được đơn vị tài trợ mới, dù chủ trương đề ra từ đầu là xã hội hóa. Đây vẫn là câu chuyện rất quen thuộc của bóng đá Việt Nam, khi nhà tài trợ hay các ông bầu cần thấy được lợi ích của họ trong việc đầu tư. Nếu không, bóng đá - với nguồn chi tiêu lớn cho mỗi năm, thật khó để họ trụ lại thời gian dài.

Trả về cho địa phương, các cầu thủ cũng chỉ được giải quyết một phần từ nỗ lực thu xếp tài chính. Nhưng Cần Thơ vẫn còn may mắn hơn Than Quảng Ninh khi vẫn duy trì thi đấu tại hạng Nhất 2022, tránh cho giải đấu rơi vào tình thế phức tạp.

Tại V.League, Sài Gòn FC lại là một câu chuyện khác. Cuối tháng 8 vừa qua, đã có một sự chuyển giao vai trò Chủ tịch từ ông Trần Hòa Bình sang ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng Giám đốc NovaGroup.

Với sự chuyển giao đó, có thể hiểu, các cầu thủ Sài Gòn FC hiện tại không phải quá lo về chuyện thu nhập. Vấn đề là, đội bóng không thiếu tiền, nhưng lại đang rơi vào tình cảnh nguy khốn.

Tính đến trước trận “chung kết ngược” với Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh chiều 30.9, đội bóng của huấn luyện viên Phùng Thanh Phương đang đứng cuối bảng xếp hạng Night Wolf V.League 2022 sau 15 trận. Mặc dù cũng chỉ kém đội đứng thứ 8 (Thanh Hóa) 6 điểm - bằng 2 trận thắng, nhưng câu hỏi đặt ra là, tiền có trở thành thứ “doping” hợp lý để Sài Gòn FC trụ hạng?

“Doping tiền” cũng chỉ là chuyện ngắn hạn

Sau khi có sự chuyển giao, mục tiêu trước mắt của Sài Gòn FC là tận dụng tiềm lực tài chính để cải thiện chất lượng đội hình cũng như thứ hạng, qua việc tiếp tục góp mặt tại V.League 2023. Nhưng để làm được điều đó, họ cần có suất trụ hạng, trong bối cảnh không thể bổ sung cầu thủ nữa (thị trường chuyển nhượng giữa mùa đã đóng cửa).

Và thế là, không còn cách nào khác, chiêu “doping tiền” được sử dụng. Nếu thắng kình địch cùng thành phố, số tiền thưởng là 2 tỉ đồng. Đáng nói hơn, lãnh đạo mới của đội bóng sẵn sàng chi ra 10 tỉ đồng để thưởng cho cả đội nếu giành quyền trụ hạng.

Với chính các cầu thủ Sài Gòn FC lúc này, nó cũng chỉ như “đếm cua trong lỗ”. Tiền đâu đã nằm trong tay họ, trong khi lời hứa thưởng đậm cũng có thể vừa là động lực, vừa trở thành áp lực với họ. Và giả sử, nếu Sài Gòn FC không thể trụ hạng, 10 tỉ kia dùng để làm gì? Nhà đầu tư có còn gắn bó để quyết tâm “giúp Sài Gòn FC phát triển bền vững và cải thiện thành tích khi có nhiều chuyên gia giỏi tham gia cùng”? Trước mùa giải, Cần Thơ cũng được đặt vào mệnh đề “phát triển bền vững”, nhưng rồi đấy, kết thúc thật buồn. Nếu Sài Gòn FC xuống hạng, viễn cảnh bị bỏ rơi là hoàn toàn có thể xảy ra.

10 tỉ là giá trị lớn để các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam có thể đầu tư vào hệ thống phát triển nào đó hợp lý, hoặc lên thị trường tìm kiếm cầu thủ giỏi (nếu hệ thống chuyển nhượng hoạt động theo đúng nghĩa). Nhưng 10 tỉ tiền thưởng dành cho suất trụ hạng - trong khi nên nhớ là đội vô địch mùa giải năm nay cũng chỉ nhận được 3 tỉ, khiến người ta cảm thấy “sao sao” cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn