MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Vũ Thị Sen được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“2 lần được gặp Bác là 2 khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi”

HOÀI ANH - TÔ THẾ LDO | 19/05/2020 18:52

Năm 1966, tại Đại hội Thể thao Châu Á - Ganefo, tuyển thủ quốc gia Vũ Thị Sen giành 1 HCV, 1 HCB tại đường bơi 200m và 100m. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tại khoảnh khắc đó trong suy nghĩ của bà không phải là hình dáng chiếc huy chương, không phải tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang trời, mà là câu nói của Bác Hồ

Bà Vũ Thị Sen xúc động nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ. Ảnh: Tô Thế
Câu dặn dò của Bác và sự thôi thúc giành chiến thắng cho đất nước

Bà Vũ Thị Sen sinh ra tại xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nhà ở giáp dòng sông Đáy, bà chẳng nhớ mình đã biết bơi từ bao giờ, chỉ nhớ rằng khi đó bố mẹ lo cho con cái nên ép đứa nào đứa đấy đều phải bơi thuần thục. “Tuy nhiên khi đó, bơi cũng chỉ gọi là cho biết thôi chứ không có kỹ thuật gì cả. Bản thân tôi cũng chỉ biết bơi theo kiểu mà mọi người hay gọi vui là bơi chó”, bà Sen vui vẻ kể lại.

Sự nghiệp bơi lội của bà bắt đầu từ năm 1959 - khi được anh trai dạy cho kỹ thuật bơi ếch một cách bài bản. Những năm sau đó, tại các cuộc thi huyện, tỉnh và toàn miền Bắc, bà đều đạt được thành tích cao.

Cuối năm 1964, bà được vào Trường huấn luyện thể dục thể thao TW (Trung tâm huấn huyện thể dục thể thao Quốc gia) để trở thành vận động viên bơi chuyên nghiệp.

Từ ngày “coi nước là bạn, coi bể là nhà”, nữ vận động viên chưa khi nào nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội được gặp Bác Hồ, cho đến tháng 11.1965. Khi đó, kình ngư Vũ Thị Sen được cùng đoàn vận động viên bơi, bóng bàn Trung Quốc đến Phủ Chủ tịch để chào Bác.

Sau khi hỏi thăm sức khoẻ của các vận động viên Trung Quốc, Bác tặng 2 viên kẹo cho mỗi cháu và căn dặn các vận động viên Việt Nam rằng: “Các cháu Việt Nam hãy học tập các bạn. Cố gắng phấn đấu, thành tích phải bằng hoặc vượt các bạn”.

Đó là lần đầu tiên bà Vũ Thị Sen được tận mắt trông thấy kẹo và được cầm thật chắc trong tay. Nhưng có lẽ, vị ngọt của kẹo cũng không thể ấn tượng và khó quên được bằng câu dặn dò của Bác.

Cũng nhờ câu nói ấy của Bác, kình ngư Vũ Thị Sen đã đem về 2 huy chương 1 vàng, 1 bạc cho tuyển Việt Nam tại Đại hội Thể thao Châu Á - Ganefo. “Ngày thi bơi 200m ếch, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến câu nói của Bác và nghĩ rằng phải cố gắng chiến thắng để góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vì tôi biết rằng, nếu tôi chiến thắng thì sẽ được vinh dự kéo cờ Việt Nam và hát Quốc ca Việt Nam trước tất cả bạn bè quốc tế. Được như vậy thì còn gì tự hào bằng”, bà Sen chia sẻ.

“Thắng không kiêu, bại không nản”

Sau khi đi thi đấu về nước, bà Vũ Thị Sen và các thành viên trong đội tuyển Việt Nam được đưa lên sơ tán tại Hà Tây (nay là Hà Nội). Đến chiều ngày 19.12.1966, cả đội được đón bằng 1 chiếc xe com-măng-ca để về Hà Nội dự lễ tổng kết thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam tại Ganefo. “Lên xe chúng tôi được biết là sẽ được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trên đường về Hà Nội, chúng tôi phải 2 lần xuống hầm trú ẩn vì máy bay Mỹ bắn phá. Mãi đến 16 giờ chiều, chúng tôi mới đến Phủ Chủ tịch.

Khi vừa đến nơi, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn chúng tôi. Khi đó, cả đội ai nấy cũng đều cảm thấy vui và hãnh diện lắm. Nhưng đến khi có một người reo lên “A, Bác Hồ” thì tất cả mới thật sự vỡ oà, bật khóc trong hạnh phúc”, bà Sen xúc động kể lại.

Sau khi nhìn qua một lượt, thấy kình ngư Vũ Thị Sen và xạ thủ Trần Oanh đeo 2 huy chương, Bác nói: “Hai cháu này được những 2 huy chương cơ à? Ừ, thành tích tốt đấy, nhưng mà đừng kiêu căng nhé. Thắng không kiêu, bại không nản”.

Sau đó, khi Bác hỏi còn ai muốn phát biểu nữa không, nữ kình ngư đã đứng lên thưa với Bác: “Cháu là Vũ Thị Sen. Quê cháu ở Nghĩa Phú - Nghĩa Hưng - Nam Định. Chúng cháu đã đạt được thành tích như vậy là nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác. Cháu xin hứa với Bác sẽ cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao hơn, góp phần vào… vào… ”. Khi vận động viên còn đang ấp úng thì Bác tiếp lời: “Vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta phải không?”.

Câu nói của Bác khiến cả căn phòng tràn ngập tiếng cười nói. Ai cũng mong thời gian ngừng trôi để được quây quần và trò chuyện cùng bác mãi như vậy.

Khi chụp ảnh cùng cả đoàn xong, giọng Bác nghiêm nghị: “Tất cả chú ý! Nghiêm! Đằng sau quay”. Giật mình và bất ngờ, tất cả làm theo lời Bác nói. Khi đi ra gần đến cửa, mọi người ngoái lại nhìn thì đã thấy Bác đi nhanh về hướng ngược lại. Đầu Bác đội chiếc mũ lá. Nhìn thật giản dị mà thân thương.

Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng bà Sen vẫn nhớ như in từng lời căn dặn của Bác. Đối với bà Vũ Thị Sen cũng như các vận động viên năm ấy, khoảnh khắc được gặp và trò chuyện với Bác là một sự tự hào vô cùng lớn trong cuộc đời làm nghề. “2 lần được Bác là 2 khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời tôi”, bà Sen hạnh phúc nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn