MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển Việt Nam đang là đương kim vô địch AFF Cup. Ảnh: Hữu Phạm

AFF Cup vẫn có giá với bóng đá Việt Nam

Đăng Huỳnh LDO | 05/05/2020 14:11

Dù áp lực thi đấu vào cuối năm nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn chấp nhận mạo hiểm, đặt mục tiêu vô địch AFF Cup 2020 lên hàng đầu. 

Khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Thái Lan

Đội tuyển Việt Nam đang đứng trước 2 nhiệm vụ khá nặng nề vào cuối năm này là vô địch AFF Cup 2020 và lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đây là những giải đấu diễn ra cùng thời điểm cuối năm, vì thế mà huấn luyện viên Park Hang-seo phải lựa chọn nhân sự, tính toán điểm rơi phong độ của đội tuyển một cách kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh chúng ta có thể mất cầu thủ trụ cột ở AFF Cup 2020: Chấn thương phải phẫu thuật nghỉ dài như Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường và các đội bóng chủ quản nước ngoài không nhả quân, với trường hợp Văn Lâm tại Muangthong United và Văn Hậu nếu vẫn còn thi đấu cho Heerenveen.

Đứng trước vấn đề này, đã có những ý kiến cho rằng, Việt Nam nên chọn một trong 2 mục tiêu để tập trung một cách hiệu quả nhất. Giống như Thái Lan, thay vì căng ra chơi cả 2 mặt trận thì họ chọn vòng loại World Cup 2022 và tính đến khả năng buông AFF Cup 2020. Bởi lẽ, đó là giải đấu không nằm trong hệ thống của FIFA, bên cạnh đó, Thai League dự kiến diễn ra thời điểm đó nên khả năng cao các câu lạc bộ không nhả quân chủ lực. Nên nhớ rằng, Thai League mang đến giá trị và lợi nhuận cho các đội bóng rất lớn. Do đó mà quyền lợi của các câu lạc bộ thời điểm này được đặt lên cao.

Người Thái đã không còn mặn mà với sân chơi Đông Nam Á khi họ đã có đến 5 chức  vô địch. Điều mà Thái Lan hướng đến là vươn tầm khu vực, do đó mà dễ hiểu khi họ tập trung cao ở Vòng loại World Cup 2022. Còn Việt Nam thì khác, chúng ta mới chỉ có 2 chức vô địch ở giải đấu này. Đây là sân chơi vẫn mang lại thành tích có ý nghĩa kích thích cho cả nền bóng đá. Khi giải V.League bị thờ ơ thì AFF Cup hay SEA Games là những giải đấu cứu cánh cho cả nền bóng đá. Bởi lẽ, chỉ những thành tích ở các giải đấu này mới thu hút được sự quan tâm của khán giả cũng như các nhà tài trợ.

Lợi nhuận thu về trong năm 2019 của VFF tăng 747% so với dự kiến ban đầu. Đấy là kết quả của những thành tích mà U23 và đội tuyển Việt Nam mang về suốt 2 năm qua. Những doanh nghiệp lớn cùng lúc đầu tư cho bóng đá Việt Nam năm 2019 hướng đến World Cup nam và nữ chính là kết quả mà chức vô địch AFF Cup 2018 và tấm Huy chương Vàng SEA Games 30 tạo ra. 

Bên cạnh đó, sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19, đội tuyển Việt Nam cũng được đặt hy vọng thúc đẩy phong trào thể thao cũng như hiệu ứng xã hội. Cũng vì thế mà chúng ta nhất định phải bảo vệ thành công chức vô địch. 

Cái khó của VFF

Dồn sức cho AFF Cup 2020 với tư cách đương kim vô địch, thế nhưng đội tuyển Việt Nam cũng không muốn bỏ qua cơ hội ở vòng loại World Cup 2022. Theo Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thì việc lọt vào vòng loại thứ 3 sẽ mang đến những ý nghĩa lớn. Chúng ta góp mặt ở vòng 12 đội mạnh nhất châu lục sẽ tạo ra một tâm thế mới, được cọ xát với các đối thủ lớn bằng những trận đấu chất lượng. Không chỉ thứ bậc của Việt Nam tăng lên mà đây là tiền đề hướng đến World Cup 2026 khi số đội được nâng từ 32 lên 48. 

Những giải đấu lớn ở cấp độ châu lục luôn là những đợt tập huấn chất lượng cao với đội tuyển quốc gia. Thông qua những giải đấu này, bóng đá Việt Nam không chỉ làm quen với môi trường bóng đá đỉnh cao mà còn xác định được thực lực của mình, từ đó có những sự chuẩn bị, tính toán cụ thể cho tương lai. Đội tuyển Việt Nam đang có cơ hội lớn và chúng ta khó có thể bỏ qua ở thời điểm này. Do đó mà VFF đã phải tính toán đến cả lịch thi đấu, lịch tập trung, tập huấn rất vụ thể. Cũng vì thế mà V.League được xây dựng kế hoạch kết thúc đúng dự kiến để tập trung tối đa cho đội tuyển quốc gia. Đây cũng là vấn đề khiến V.League bị triệt tiêu cơ hội phát triển. 

Cái khó của VFF thời điểm này là việc phải gồng lên để thực hiện cả 2 mục tiêu lớn cùng  một thời điểm. Ngoài các vấn đề khách quan và nhân sự, cái khó khác của thầy trò ông Park là bóng đá Việt Nam vẫn chưa có một giải vô địch quốc gia thực sự chuyên nghiệp, chưa có một kế hoạch chiến lược căn cơ nên vẫn rơi cảnh “ăn đong” từng giải đấu. Nếu không có thành tích ở các đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam có thể sẽ lại rơi vào một cuộc “chấn hưng” mới. Và thực tế, người Thái cũng cần có những thành tích ở khu vực trước khi xây dựng chiến lược mở đường tiến ra châu lục. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn