MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Linh vật SEA Games 29. Ảnh: DP

Ai đột phá làm SEA Games sạch?

NGUYỄN NGUYÊN LDO | 01/09/2017 13:00

29 kỳ SEA Games, chưa quốc gia nào dám vỗ ngực nói mình đã tổ chức một SEA Games sạch đúng với tinh thần Olympic.

Đó là thực trang buồn ở Đại hội thể thao khu vực mà Việt Nam cũng là thành viên và cũng đã từng một lần đăng cai SEA Games.

16 năm trước, trong đêm bế mạc SEA Games 21 (2001) tại Malaysia, chúng tôi cùng ngồi với ông Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang - người vừa tham gia nhận cờ đăng cai SEA Games 2003 tại Việt Nam - và nghe ông Giang tâm sự những trò bẩn, xấu xa, chèn ép nhau trong đại hội thể thao Đông Nam Á cứ mãi bị gọi là “ao làng”.

Ông Giang khi ấy cởi chiếc vest trắng ra nhìn dòng người rời khu Liên hợp Bukit Jalil và nói: “2 năm tới, tôi mong mình là chủ nhà đầu tiên tổ chức một SEA Games sạch để các đoàn thể thao bạn nể và không còn hậm hực mỗi khi SEA Games khép lại…”.

SEA Games 22 đấy Việt Nam nhất toàn đoàn với số huy chương khủng cùng những lời ca ngợi ta là số 1, nhưng ước ao của ông Giang khi ấy đã không thực hiện được như ông muốn và tâm sự sau lúc nhận cờ đăng cai.

16 năm sau, nghe ông Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn nói rằng, cá nhân ông muốn SEA Games 31 (2021)tổ chức tại Việt Nam, chúng ta chỉ tổ chức những môn trong hệ thống Olympic và là một SEA Games đáng nhớ, nhiều người mừng lắm. Mừng vì đó có thể là tiền đề để cải tổ cái “ao làng” cứ hai năm một lần mà đã 29 kỳ rồi vẫn chưa trong được.

Tất nhiên để “ao làng… trong” thì cần phải một sự đột phá mạnh mẽ của ít nhất là một quốc gia đăng cai và sau đó là cả một chiến dịch vì tương lai của thể thao Đông Nam Á.

Và để thực hiện được điều đó chắc chắn không chỉ là chuyện riêng của ngành thể thao một quốc gia.

4 năm nữa Việt Nam đăng cai liệu có thay đổi được thói quen thành tích và bệnh “ao làng” suốt 29 mùa SEA Games?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn