MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dương Thuấn và văn hóa Tày

Trịnh Minh Hiếu LDO | 20/07/2012 15:50
Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà thơ Dương Thuấn đã cho ra đời ba tuyển tập thơ dày hai nghìn trang. Điều này đã đem cho người đọc sự ngạc nhiên về sự nghiệp thơ ca đồ sộ của ông.
Năm 2012, thêm một bất ngờ khi ông vừa cho ra đời một công trình nghiên cứu văn hoá: “Văn hoá Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” (600 trang, NXB Tri thức, năm 2012), tiếp tục khẳng định những thành công mà Dương Thuấn đã có được.

Nhìn tổng thể diện mạo chung các công trình nghiên cứu về văn hoá Tày từ trước đến nay, chủ yếu là biên khảo và sưu tầm của các tác giả như: Hoàng Quyết, Lục Văn Pảo, Triều Ân, Nông Quốc Chấn, Vi Hồng… mới thấy được cuốn “Văn hoá Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới” là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và mang tính khoa học về văn hóa, khái quát sâu rộng văn hoá Tày vừa có bản sắc truyền thống độc đáo, vừa có những “sắc phục văn hoá mới” trong sự đổi mới của đất nước và hội nhập thế giới.

Mới và lạ, đó là cảm nhận chung của người đọc khi tiếp nhận công trình nghiên cứu này. Dương Thuấn đã tiếp cận văn hoá Tày trên cơ sở văn hoá Việt và văn hoá thế giới hiện đại. Văn hoá Tày vừa phát triển trong nội lực chiều sâu bản thể vừa có sự quy chiếu ảnh hưởng của các nền văn hoá khác và luôn có diễn tiến hội nhập; vừa có bản sắc riêng độc đáo, vừa có những đặc điểm chung của các nền văn hoá khác. Tuy nhiên, điểm mới lạ ở đây là những “vùng tối” văn hoá được xem như những lá bùa, pháp thuật đã được phơi mở bằng chính sự trải nghiệm của tác giả.

Sự mới lạ còn thể hiện ở sự kết hợp giữa hai lối tư duy, tư duy khoa học với những khái niệm cụ thể chính xác và tư duy của người làm văn chương. Từ việc thật, người thật, những cuộc trò chuyện, phỏng vấn bên cạnh những phương pháp khoa học như thống kê, đối chiếu, so sánh… tác giả đã khái quát vấn đề vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn, tạo sự tin cậy, hứng thú cho người đọc. Trong lời giới thiệu, tác giả đã viết: “Tôi viết cuốn sách này bằng tất cả những gì mà tôi biết được, tôi đã chứng kiến, tôi tự sưu tầm, tôi là người trong cuộc. Những dẫn chứng tôi dẫn ra ở cuốn sách này tôi đều thuộc lòng và mắt thấy tai nghe” (trang 6).

Từ thực tế, nghiên cứu suy ngẫm, Dương Thuấn đã khái quát một số đặc điểm văn hoá của dân tộc Tày một cách đặc trưng nhất, bản chất nhất. Đặc biệt khi ông khẳng định văn hoá Tày là “Văn hoá thung lũng kết hợp với núi non”, bản chất là văn hoá tâm linh đầy bí ẩn, vượt lên sự hiện hữu tinh thần. Đây là bản sắc riêng mà hiếm có một dân tộc nào có đời sống tâm linh phong phú, đậm chất sống, chất nhân văn như văn hoá Tày. Dương Thuấn đã tìm ra chìa khoá để khai mở cho cả một số nền văn hoá khác có đời sống tâm linh phong phú. Theo tác giả, đặc điểm này nên bổ sung vào những khái niệm văn hoá trước đây cho đầy đủ và chính xác hơn (trang 13).

Người Tày quan niệm: “Đất thấp là nơi sinh ra và nuôi sống cuộc đời mỗi con người. Còn núi non cao là nơi họ sinh sống khi sang thế giới bên kia”. Vì thế, người Tày có hai sự sống. Sự sống trước khi chết và sự sống sau khi chết. Hai thế giới ấy cách trở nhau nên chỉ gặp nhau và cảm thức giao hòa được ở những thời điểm và không gian nhất định. Đó là các dịp lễ hội, ma chay, các ngày tết lễ. Những dịp này, con người được nghỉ ngơi để thực hiện nghi lễ.

Trong các lễ hội, vui vẻ nhất, tưng bừng nhất là Lễ hội nàng Hai (Lễ hội Hằng Nga) ba năm tổ chức một lần. Trong lễ hội, gường và slở cùng hát với mọi người để nhờ chim én, chim ương làm sứ giả lên gặp Mường Trời, gặp các mẹ Trời để xin thóc giống, xin những loại cây, con giống khác về cấy trồng, chăn nuôi. Xin xong, mời các mẹ về trần gian dự tiệc. Tiếp theo là tiệc tiễn đưa các mẹ về trời. Lễ hội tổ chức liền trong ba ngày ba đêm (trang 226).

Trong đám ma của người Tày, các ông thầy quản đội trống kèn đã hát những khúc thơ dài trong mấy đêm liền kể lại công lao của người đã mất và đưa tiễn linh hồn, dặn dò đi các chặng đầy khó khăn hiểm trở từ dưới âm phủ lên thiên đình. Riêng khúc hát Khảm hải (Vượt biển) đã có tới 650 câu. Trở lại, người chết cũng dặn dò khuyên bảo người sống. Cuộc tiễn đưa tiếc thương lưu luyến dằng dai ba ngày ba đêm. Người Tày quan niệm đây là lần cuối chia biệt vì sau đó họ đào sâu chôn chặt và cúng giỗ trong ba năm đầu rồi thôi. Chỉ còn mỗi năm một lần tảo mộ vào mồng ba tháng ba âm lịch. Người Tày còn dành riêng một nghĩa địa cho trẻ con để chăm sóc đặc biệt (trang 142).

Mọi nghi lễ trước đây bị cho là trò mê tín dị đoan thì giờ được khôi phục và làm sáng tỏ bởi nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhiều pháp thuật huyền bí của người Tày như độn, ma gà, bước qua than hồng, bắn cung tiễn… đã được tác giả soi sáng bằng những phân tích khoa học. Như chuyện bị ma gà làm nghe đến nổi gai nhưng theo tác giả “người có ma gà thực ra là những người có dòng điện trường sinh học cực mạnh và cực độc có thể làm người khác ốm có khi đến chết”. (trang 278).

Một dân tộc có đời sống tâm linh phong phú, nhân văn, nhân bản và bền vững, vậy khi hội nhập có khó khăn gì, hội nhập có mất đi bản sắc?... Đó là những vấn đề người nghiên cứu đã đặt ra và phân tích, đưa ra những nhận xét khá xác đáng.

Là người từng chứng kiến nhiều sự kiện, Dương Thuấn đã nêu ra những khiếm khuyết của chính sách văn hóa “đem ánh sáng văn minh từ miền xuôi lên miền núi”, do sự ấu trĩ, cán bộ đường lối đã xoá bỏ những hủ tục mê tín dị đoan bằng nhiều cách như đưa các ông bà then, pửt, tảo đi cải tạo, đốt dụng cụ hành nghề, sách cúng trong đó có nhiều sách quý... “Chối bỏ văn hoá truyền thống đã đem lại sự khủng hoảng trong đời sống tinh thần, hậu quả khôn lường và những tổn thất văn hoá kinh hoàng” (trang 320). Với sức sống bền vững, văn hóa Tày đã không bị mất đi bản sắc mà “trở về cội nguồn để tìm đến đa dạng và hội nhập là nhận thức lại và nâng cao văn hoá dân tộc” (trang 373). Để minh chứng cho sự hội nhập, tác giả đã đưa ra một hình ảnh rất giản dị, sinh động: “Ví giống như một người đứng ra giữa đám đông mới thấy mình xấu hay đẹp, cao hay thấp...

Lúc đó có dịp để đánh giá đúng mình. Đối với văn hoá Tày hôm nay cũng vậy, hội nhập với thế giới là để nhìn nhận mình rõ hơn, sự mất còn cũng đặt ra quyết liệt hơn” (trang 375). Song dù thay đổi đến đâu thì bản sắc “chất Tày” từ màu xanh chàm mộc mạc đến lời ăn tiếng nói đều thể hiện rất rõ một vùng văn hóa độc đáo.

Khi đọc “Văn hoá Tày ở Việt Nam trong quá trình hội nhập thế giới”, người đọc sẽ không bị gò bó trong những khái niệm, những vấn đề khoa học một cách khô khan, bởi những lập luận, cách trình bày vấn đề của Dương Thuấn rất tự nhiên, sinh động như một tác phẩm văn chương. Người nghiên cứu như một thực thể văn hoá sống phơi mở tất cả những gì thuộc về văn hoá dân tộc mình. Từ những nghi lễ trong cuộc sống mỗi con người từ khi sinh đến khi về thế giới bên kia, đến các phong tục tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, các nghi lễ, ẩm thực, biểu tượng văn hoá, phép thuật… đến lịch sử hình thành của dân tộc Tày, những người con ưu tú của dân tộc, quá trình biến đổi, hội nhập văn hoá…

Rất tiếc trong cuốn sách còn quá ít tranh ảnh minh họa. Một số vấn đề, khái niệm người đọc cảm thấy chưa thỏa đáng bởi tác giả mới nêu ra, chưa giải quyết triệt để. Hay đó là phương pháp nghiên cứu gợi mở vấn đề? Có lẽ Dương Thuấn vẫn luôn có quan điểm nghiên cứu văn hóa cũng như trong sáng tác thơ, phải luôn là người “tự cầm dao phát lối cho mình” (thơ Dương Thuấn). Một số vấn đề nhạy cảm, tác giả đã bày tỏ thẳng thắn chính kiến mang tính đại diện cho dân tộc mình mà không phải ai cũng dám đề cập.

Gợi ý dành cho bạn