MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh hỗn loạn dẫn đến thương vong trong trận bóng đá ở Indonesia. Ảnh: AFP

Bài học từ vụ hỗn loạn trên sân vận động tại Indonesia

HOÀI VIỆT LDO | 03/10/2022 06:00

Thể thao Đông Nam Á đang rất quan tâm tới sự việc hỗn loạn tại giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng. Không ai muốn xảy ra một sự cố đáng buồn như vậy nhưng chắc chắn, việc đảm bảo an ninh an toàn không thể được xem nhẹ trong tất cả các giải thể thao.

Sự cố kinh hoàng

Suốt 48 giờ qua, nhất loạt các cơ quan báo chí và truyền thông tại Đông Nam Á và thế giới cùng đăng tải những con số và chi tiết nhất từ vụ hỗn loạn sau trận đấu giữa 2 đội bóng Arema FC vs Persebaya Surabaya tại giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia (ngày 1.10) dẫn tới ít nhất 130 người thiệt mạng (trong đó có trẻ em) - số liệu CNN Indonesia cập nhật đến trưa 2.10. Thảm kịch - người làm thể thao Đông Nam Á gọi là rúng rộng, bắt nguồn từ sự phản ứng của các cầu thủ đội Arema FC sau khi để thua đội khách Persebaya Surabaya với tỉ số 2-3 trên sân nhà Kanjuruhan ở vòng 11 giải Liga 1 - vô địch bóng đá quốc gia Indonesia và lực lượng an ninh trực tiếp ở sân bóng không kiểm soát được tình hình trước sự phản ứng của các cổ động viên nên sự hỗn loạn xảy ra.

Thông tin từ báo giới Indonesia chia sẻ, hơn 40.000 khán giả đã vào sân theo dõi trận đấu và khi trọng cài kết thúc trận đấu, khoảng 3.000 người tràn xuống sân gây ra sự hỗn loạn và việc có người thiệt mạng đã xảy tới. Một số tờ báo địa phương đưa thông tin, sau sự cố bạo động xảy ra, cảnh sát bắn hơi cay về phía khán đài nên hàng chục nghìn khán giả hoảng sợ và tháo chạy tìm đường thoát thân khiến gây ra thảm kịch giẫm đạp nhau và số thương vong kinh hoàng lên đến ít nhất 130 người tử vọng, có trẻ em.

Con số dấy lên sự quan ngại của những người làm thể thao tại Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho các giải thế thao. Tại hiện trường, khi vụ hỗn loạn xảy ra, đã có hai cảnh sát là nạn nhân nằm trong danh sách 34 người tử vong ngay tại sân bóng. Hiện tại, gần 200 người đang được điều trị tại bệnh viện. Vụ hỗn loạn dẫn đến nhiều phương tiện bị hư hỏng và 10 chiếc xe của cảnh sát bị nhiều cổ động viên quá khích phá hoại. Liên đoàn bóng đá Indonesia thông báo khẩn cấp hoãn mọi trận đấu của giải bóng đá vô địch quốc gia nước này để điều tra sự việc.

Sự căng thẳng giữa các nhóm cổ động viên khi có mặt trên khán đài trong nhiều trận đấu giải vô địch bóng đá đá Indonesia là thường nhật. Hồi tháng 6.2022, trước trận đấu giữa đội Bandung Persib và đội Persebaya thì đã có hai cổ động viên thiệt mạng khi xảy ra xô xát trong lúc mua vé.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) - ông Mochamad Iriawan đã trả lời truyền thông: “Chúng tôi lấy làm tiếc trước hành động không đẹp của cổ động viên tại sân vận động Kanjuruhan và xảy ra thảm kịch. Chúng tôi rất tiếc, xin gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân và các bên liên quan tới sự cố. Liên đoàn đã thành lập nhóm điều tra để làm rõ tình hình.

Đáng chú ý, năm sau, Indonesia được chọn là địa điểm tổ chức vòng chung kết giải bóng đá U.20 thế giới (FIFA U.20 World Cup) nên sự vụ này đang khiến nhiều người e ngại về việc an ninh, an toàn của quốc gia đăng cai. Chưa kể, Indonesia và Australia, Qatar và Hàn Quốc là các quốc gia đang chạy đua làm chủ nhà vòng chung kết giải vô địch Châu Á 2023 (quyết định sẽ công bố ngày 17.10.2022).

Bài học cho thể thao Việt Nam

Trước sự vụ này, đại diện Tổng cục Thể dục Thể thao (Việt Nam) bày tỏ đã biết thông tin qua báo chí và lấy làm tiếc khi một giải đấu thể thao xảy ra sự cố như vậy, chắc chắn không ai muốn điều như vậy. Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ở tất cả các giải đấu đều được yêu cầu đảm bảo tốt nhất về việc đảm bảo an ninh, an toàn khi các cuộc đấu diễn ra.

Nhìn lại lịch sử thể thao Việt Nam tại các giải vô địch quốc gia, bóng đá là môn xảy ra nhiều sự cố trên sân nhất, tuy nhiên tất cả đều không có việc khán giả tràn vào sân xảy ra hỗn loạn lớn. Căng thẳng nhất là mùa giải vô địch quốc gia 1996 trên sân Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều cầu thủ đội Công An TP.Hồ Chí Minh (khi đó), gồm cựu cầu thủ Chu Văn Mùi, Lê Huỳnh Đức đã lao vào đuổi đánh cố trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng khi cho rằng điều hành trận đấu không công minh khiến đội mình thua Đồng Tháp và mất chức vô địch quốc gia.

Sau đó, cảnh sát đã phải vào sân vãn hồi trật tự còn người đuổi đánh trọng tài là ông Mùi, ông Đức đã nhận án phạt treo giò vĩnh viễn (với ông Mùi) và sáu tháng (với ông Đức). Năm 1998, cũng tại giải bóng đá vô địch quốc gia, trọng tài Trương Thế Toàn từng bị cổ động viên của đội Vĩnh Long vượt rào vào sân đuổi đánh cũng như có sự tham gia của cầu thủ đội này. Sau đó, đội bóng bị loại khỏi giải.

Năm 2018, trên sân Nam Định, một cổ động viên quá khích đã lao vào sân đuổi đánh trọng tài Trần Đình Thịnh (trận Nam Định - Sông Lam Nghệ An) và lực lượng an ninh đã can thiệp kịp thời. Năm 2019, trong trận đấu của giải hạng Nhì quốc gia, cầu thủ đội Bà Rịa-Vũng Tàu đuổi đánh trọng tài trong trận thua đội Phố Hiến và hành vi bạo lực trên đã khiến cầu thủ Trần Quốc Tuấn bị cấm thi đấu vĩnh viễn còn các cầu thủ Phan Công Quỳnh Anh, Đinh Tiến Phong nhận án cấm 1,5 năm. Năm 2022, sự cố cũng xảy ra tại trận Bình Thuận - Vĩnh Phúc ở giải hạng Nhì và cầu thủ Ngô Anh Vũ (Bình Thuận) cùng cầu thủ Bình Thuận phản ứng với trọng tài, sau đó đấm trọng tài chính Trần Ngọc Nhớ. Cầu thủ này bị cấm thi đấu hai năm...

Đại hội thể thao toàn quốc lần 8.2018, trong môn bóng rổ, hai cầu thủ Lê Phước Thắng và Lê Văn Đầy của đội Cần Thơ đã có hành vi đánh trọng tài sau đó bị loại khỏi giải và trả về địa phương để nhận án kỷ luật cấm thi đấu 10 năm. Bốn năm trước đó, trong môn vật tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 7.2014, đô vật Lê Duy Hợi (Cần Thơ) đã lao vào đánh trọng tài bàn Nguyễn Đình Hùng khi phản ứng cho rằng xử lý không công minh. Vì sự vụ này, Duy Hợi bị loại khỏi giải. Hẳn nhiên, rất nhiều trường hợp xảy ra trước kết quả thi đấu trên sân, thảm đấu nhưng khi khán giả và vận động viên không giữ được bình tĩnh rất dễ xảy tới những điều đáng tiếc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn