MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Truyền hình tại V.League. Ảnh: T.L

Bản quyền truyền hình V.League: Sau 20 năm mới… có giá

TAM NGUYÊN LDO | 27/10/2022 06:15

Bản quyền truyền hình được ví như “chiếc phao cứu sinh” với các câu lạc bộ bóng đá tại Việt Nam…

Bản quyền truyền hình các giải đấu trên thế giới

Đến thời điểm này, người hâm mộ Việt Nam đã quá quen thuộc với các giải bóng đá lớn ở Châu Âu như Premier League, La Liga, Bundesliga, Serie A, Ligue 1 hay Champions League. Với độ phủ sóng trên toàn thế giới, không bất ngờ khi các giải đấu này tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ, trong đó có vấn đề bản quyền truyền hình.

Lấy ví dụ tại Premier League của Anh, theo thống kê được đưa ra hồi đầu năm nay, bất chấp việc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu từ bản quyền truyền hình và tài trợ tiếp tục tăng - 3 mùa từ 2019-2020 đến 2021-2022 có giá trị 9,2 tỉ bảng, bắt đầu từ mùa 2022-2023 cho đến 2024-2025 là 10,5 tỉ bảng.

Kết quả của điều đó là các câu lạc bộ sẽ được “chia phần miếng bánh” ngày càng nhiều hơn, kéo theo việc các đội bóng Anh khuấy đảo thị trường chuyển nhượng cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ những tên tuổi lớn, các đội bóng trung bình cũng rất mạnh tay đầu tư nhân sự.

Nếu Premier League và các giải đấu trên ở một tầm quá cao để so sánh với câu chuyện tại V.League thì ngay ở Đông Nam Á, Thai-League của Thái Lan đang khai thác thực sự tốt vấn đề bản quyền truyền hình.

Theo Liên đoàn bóng đá nước này, gói bản quyền truyền hình của Thai-League được bán từ 2021 đến 2028 có giá trị 10 tỉ baht (quy đổi khoảng 7.000 tỉ đồng). Đồng nghĩa với việc, mỗi mùa, giải đấu này thu về khoảng gần 900 tỉ đồng.

V.League: Chiếc phao gần 20 năm mới... nổi

Khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, các nhà hoạch định cũng điền hạng mục bản quyền truyền hình vào vị trí có thể mang lại nguồn thu lớn. Năm 2005, V.League đã có những khoản tiền đầu tiên từ bán bản quyền.

Bước đầu tích cực, nhưng khó ai ngờ rằng, sau gần 20 năm, V.League vẫn chưa thể “sống ổn” từ bản quyền truyền hình.

Nhiều người hẳn chưa quên chuyện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ký kết với AVG hợp đồng trị giá 6 tỉ/năm. Nhưng thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm. Tuy có lũy tiến nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là từ ông bầu Nguyễn Đức Kiên. 20 năm là bản hợp đồng quá dài và được dự báo là ảnh hưởng lâu dài đến bóng đá Việt Nam.

Đó cũng là lý do Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời cùng bài toán bản quyền truyền hình được hứa hẹn cải thiện với giá trị lên đến 50 tỉ đồng/mùa. Nhưng câu chuyện sau đó lại không đi đúng hướng và rồi chuyện bản quyền truyền hình trở lại với trạng thái chơi vơi…

Những mùa giải gần đây, bản quyền truyền hình V.League được cho là khoảng 10 tỉ đồng mỗi năm. So với Thái Lan vẫn là quá nhỏ. Không những vậy, nói là 10 tỉ đồng nhưng lại là theo nguyên tắc trao đổi - đài truyền hình trực tiếp các trận đấu và đổi lại bằng phát quảng cáo. VPF chỉ nhận tiền mặt khoảng 2 tỉ đồng.

Nhưng, khi mùa giải 2022 chuẩn bị về đích, thông tin vui đến với bóng đá Việt Nam khi chuyện bản quyền truyền hình có một bước tiến lớn và quan trọng. Thông tin việc FPT là đơn vị sẽ mua bản quyền truyền hình V.League trong 4 năm tiếp theo (bắt đầu từ 2023), với giá trị được cho là cao gấp 20 lần giá trị của hợp đồng cũ đã nhận được nhiều sự chú ý. 

Tất nhiên, sẽ không phải là sự lặp lại của phương thức “hàng đổi hàng” nữa, mà sẽ là tiền mặt. Rõ ràng, trong bối cảnh nhiều câu lạc bộ khó khăn trong việc xoay sở tài chính trước mỗi mùa giải, việc giá trị bản quyền truyền hình tăng cao sẽ giúp họ nhận sự hỗ trợ tương đối để trang trải. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi đơn vị đầu tư đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua bản quyền, bóng đá Việt Nam cũng cần phải thay đổi và chuyển biến hơn nữa, tạo ra những giá trị tương xứng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn