MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường quay World Cup 2014 của VTV. Ảnh: VTV

Bản quyền truyền hình World Cup: "Món hời" hay "món nợ"?

H.Đ LDO | 11/06/2018 15:50
Trong chương trình Ấn tượng thể thao 7 ngày của VTV, biên tập viên (BTV) Quốc Khánh có nói về giá bản quyền truyền hình World Cup 2018 mà VTV vừa sở hữu. Vậy thực chất, đó là "món hời" hay "món nợ"?

BTV Quốc Khánh dẫn dắt vấn đề: Một trong những điều ấn tượng nhất tuần trong vô vàn thông tin về bản quyền World Cup là những con số, những miêu tả về cuộc kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam với bản quyền truyền hình.

Đó là những con số kiểu như 20 triệu USD, thậm chí mạnh hơn có báo còn nhắc đến con số nghìn tỷ đồng sau khi nhân tiền thu được từ một đúp quảng cáo từ trận chung kết ra cho từng phút một của giải đấu. Hay nói tóm đi tóm lại, có người vẫn khẳng định World Cup là một "món hời" cho nhà Đài.

Nhưng đó có thực sự là "món hời"?

Năm 2006 có ít nhất 3 Đài Truyền hình lớn ở Việt Nam có bản quyền phát sóng World Cup và lễ công bố bản quyền thời đó được tổ chức từ trước vài tháng rất long trọng. Nếu quả thật bản quyền truyền hình các giải đấu lớn là một món hời trăm tỷ cho các nhà Đài thì cứ 2 năm một lần họ phải giàu có hơn rất nhiều rồi.

Giờ món hời đó sau 12 năm chỉ còn VTV đứng ra nhận trách nhiệm mang lại cho khán giả.

Còn nếu nói về báo chí, năm 2010, tờ New York Times đã có bài viết phân tích về World Cup tổ chức ở Nam Phi.

Bài báo có tựa đề "Giá trị thật của bản quyền truyền hình" được đăng 3 tuần trước khi World Cup 2010 bắt đầu, trong đó nói lên một bức tranh chung của truyền hình thế giới trong bối cảnh giá trị bản quyền truyền hình tăng chóng mặt. Và một câu trích dẫn trong đó của đại diện một hãng nghiên cứu truyền hình uy tín ở London: "Giá trị bản quyền truyền hình đang tăng đến mức mà các nhà đài đã không còn trang trải nổi nếu chỉ trông vào quảng cáo nữa rồi".

Đó là xu hướng của 8 năm trước, và đọc lại mới thấy nhiều thông tin thú vị, kiểu như ngày đó khán giả Singapore bắt đầu phản đối hai nhà cung cấp là Sing Telecom và Starhub vì bắt họ trả tiền quá cao để được xem World Cup.

8 năm sau giá vẫn đang tăng lên ở Singapore và bên cạnh việc kêu ca trên mạng xã hội thì khán giả ở đây bắt đầu tìm trước những quán xá có chiếu World Cup trên màn hình lớn. Thế nên, nếu cứ ngồi cầm máy tính nhân giá tiền quảng cáo dành cho trận chung kết World Cup cho từng phút trước giữa sau của cả 64 trận đấu thì cuộc kinh doanh của chúng ta thật hoàn hảo. Còn thực tế thì chẳng bao giờ như vậy cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn