MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bản quyền V.League và giá trị tương xứng

Đăng HUỲNH LDO | 05/11/2022 07:00

Năm 2010, truyền hình AVG từng đặt vấn đề mua bản quyền truyền hình V.League trong 20 năm với giá 6 tỉ đồng/mùa, có luỹ tiến theo từng năm. Trong bối cảnh mà giải vô địch quốc gia “mất giá” thì đấy được xem là cơ hội. VFF dĩ nhiên đồng ý bởi trước đó, ban tổ chức còn phải kêu gọi các đài truyền hình tường thuật các trận đấu tại V.League.

Nhưng tại lễ tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên đã phản pháo VFF với nhiều vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam, trong đó có việc bán bản quyền truyền hình. Ông Kiên cho rằng, bản hợp đồng kéo dài 20 năm là không phù hợp với xu thế phát triển. 

Với sự liên kết của các ông bầu, VPF ra đời và bài toán bán bản quyền truyền hình V.League được giải bằng “gói hỗ trợ” với tổng số tiền lên đến 50 tỉ đồng/mùa, được chung tay của nhiều doanh nghiệp. Nhưng bản quyền V.League vẫn chỉ tồn tại ở hình thức trao đổi quảng cáo. Sau này khi các ông bầu rút lui khỏi bóng đá theo những cách khách nhau, “dự án” cũng không còn tính khả thi. 

Đến năm 2017, Công ty Next Media ký hợp đồng với Công ty VPF để sở hữu toàn bộ bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia) 5 mùa (2017-2022). Dù giá trị về tiền mặt mà VPF thu lại không nhiều nhưng 5 năm qua, V.League đã được phủ sóng rộng rãi hơn đến khán giả.

Theo đó, 100% các trận đấu của V.League được phát sóng trên đài truyền hình và các nền tảng OTT, mạng xã hội. Đó là điều tích cực. 

Năm 2022 được xem là bước tiến mới của bóng đá Việt Nam như lời Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ. VPF đã bán được bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp quốc gia (V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia) cho FPT với giá cao. 

Cũng tại lễ công bố bản quyền V.League, Báo Lao Động có đặt câu hỏi về giá trị của gói bản quyền này và nêu quan điểm, công khai là hình thức để khiến giải đấu có giá trị hơn. Đây là điều các giải đấu lớn khác trên thế giới đã thực hiện. Những thông tin trước đó đã được truyền thông đăng tải trước đó, giá trị gói bản quyền truyền hình rơi vào khoảng gần 60 tỉ đồng/mùa. 

Dù số tiền mua bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp quốc gia không được công bố nhưng theo ông Hoàng Việt Anh - Tổng Giám đốc FPT Telecom, giá trị bản quyền truyền hình rất tương xứng với giải đấu.

Với giá trị bản quyền lớn như vậy, chúng ta đặt kỳ vọng V.League sẽ được nâng tầm. Nhưng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam có những vấn đề nổi cộm liên quan đến công tác trọng tài, bạo lực sân cỏ, hình ảnh khán giả chưa đẹp, cơ sở vật chất cũng như mặt cỏ của các câu lạc bộ chưa hoàn thiện… đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ. 

Với một giải đấu chất lượng và ngày càng chuyên nghiệp, bản quyền truyền hình sẽ ngày càng có giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn