MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
World Cup là sự kiện 4 năm mới có một lần và được người hâm mộ khắp thế giới mong chờ. Ảnh: BR

Bản quyền World Cup tại Việt Nam đắt hay rẻ?

TAM NGUYÊN LDO | 13/10/2022 10:19

Bản quyền World Cup 2022 được chào bán ở Việt Nam không phải là mức giá đắt nhất, kể cả trong khu vực Đông Nam Á. 

Giải bóng đá vô địch thế giới (World Cup) là sự kiện 4 năm mới có một lần. Hội tụ những đội tuyển ưu tú nhất của các châu lục và các khu vực trên thế giới, World Cup luôn được người hâm mộ chờ đợi, chào đón. 

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để trực tiếp góp mặt tại World Cup, nên số lượng người theo dõi qua truyền hình lên đến cả trăm triệu. Câu chuyện bản quyền truyền hình đã xuất hiện từ lâu và đương nhiên, mức giá tăng lên theo thời gian, đặc biệt là khi công nghệ phát triển vượt bậc.

Như đã biết, bản quyền World Cup 2022 được chào bán tại Việt Nam với mức giá 15 triệu USD (khoảng 350 tỉ đồng). Các chuyên gia về vấn đề này cho rằng, đó là mức giá “không tưởng”, dựa trên “bối cảnh nền kinh tế” và “quy mô thị trường” tại Việt Nam.

Nhưng thực ra, với sự phát triển của nền kinh tế, việc tăng giá bán bản quyền World Cup là điều dễ hiểu. Và con số 15 triệu USD được chào bán ở Việt Nam vẫn chưa phải là cao nhất, nếu so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo tờ Guardian, năm nay có những quốc gia phải chi gấp 2 đến 4 lần so với trước đây để sở hữu bản quyền World Cup. FIFA thu về 1,85 tỉ USD tiền bán bản quyền World Cup 2018 và 2022 cho các đài truyền hình, đơn vị khai thác trên toàn thế giới - gần gấp đôi so với khi bán bản quyền World Cup từ 2010 tới 2014.

FOX là một trong những kênh đầu tư mạnh vào việc mua bản quyền World Cup. Ảnh: FOX

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu bản quyền World Cup 2022. Đài FOX đã chi ra tới 425 triệu USD để phủ sóng các giải đấu lớn của FIFA kể từ năm 2015. Trong khi đó, Telemundo lại mất tới 600 triệu USD, tuy nhiên, họ chỉ sử dụng bản quyền World Cup để phục vụ cho hơn 10% dân số nước Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha.

Ở Italia, Rai - đài truyền hình quốc gia, sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 từ tháng 4.2021 với giá 100 triệu Euro. Tất cả trận đấu sẽ được truyền hình trực tiếp miễn phí tới người dân đất nước hình chiếc ủng này.

Tại Anh, vào tháng 6.2014, BBC công bố, họ cùng ITV sẽ đồng phát sóng 2 kỳ World Cup 2018 và 2022 sau khi trả là 160 triệu bảng để mua bản quyền. World Cup được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình quảng bá ở toàn bộ lãnh thổ Anh.

Tại Đông Nam Á, các nước chính thức có bản quyền World Cup bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Timor Leste. Họ đều mua trực tiếp từ FIFA chứ không qua bên thứ ba và đã mua gói phát sóng các giải đấu của FIFA từ năm 2018 đến 2022, với giá trị được cho là lên tới 35 triệu USD.

Trở lại với Việt Nam, 15 triệu USD đương nhiên bị cho là đắt, nhưng trên thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào, so sánh hệ quy chiếu là sự phát triển của nền kinh tế, thì mức giá nào cũng đắt. Bắt đầu từ 1 triệu USD ở World Cup 2002 (đó là FIFA đã có sự ưu đãi), cho đến 2 triệu USD ở World Cup 2006, 2,7 triệu USD cho giải đấu năm 2010, 7 triệu USD năm 2014 và 12 triệu USD ở World Cup 2018.

Việc sở hữu bản quyền World Cup mang đến cho người hâm mộ những hình ảnh chất lượng đỉnh cao, cảm nhận trận đấu trọn vẹn hơn. Ảnh: FIFA

Ngoài giá trị tài chính, một vấn đề khác khiến bản quyền World Cup ở Việt Nam luôn bị coi là đắt xuất phát từ tâm lý. Cho đến trước World Cup 2002, người hâm mộ Việt Nam được theo dõi miễn phí, nên một phần nào đó nảy sinh suy nghĩ “không muốn chi tiền”.

Khi truyền hình trả tiền xuất hiện và phổ biến như hiện nay, tâm lý đó mới dần được dẹp bỏ. Nhưng tất nhiên, ai cũng hiểu rằng, “đắt xắt ra miếng”. Bản quyền World Cup chính thức giúp người hâm mộ được tận hưởng các trận đấu một cách trọn vẹn hơn, hình ảnh đẹp hơn cùng cảm nhận rõ hơn trên nhiều khía cạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn