MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản quyền World Cup 2022 được chào bán với mức giá 15 triệu USD. Ảnh: FIFA

Bản quyền World Cup tại Việt Nam: Làm thế nào ngăn chặn vi phạm?

Tam Nguyên LDO | 15/10/2022 06:10

Bảo vệ bản quyền luôn là vấn đề gây đau đầu trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì chuyện bản quyền World Cup.

Vi phạm bản quyền số lượng lớn 

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, World Cup 2022 sẽ khởi tranh. Đến thời điểm này, chưa có một đơn vị nào ở Việt Nam công bố chính thức việc sở hữu bản quyền truyền hình giải đấu này. Trên thực tế, vài ngày qua, báo giới đã có thông tin về chuyện đài truyền hình quốc gia đã có bản quyền phát sóng giải đấu diễn ra tại Qatar nhưng chưa công bố. Tại sao vậy?

Thông thường, việc mua được bản quyền World Cup là một thông tin nóng hổi, việc công bố sớm sẽ tạo ra sự hào hứng với người hâm mộ. Thế nhưng, khi “có nhưng chưa công bố” lại khiến không ít người thắc mắc.

Theo giới chuyên môn hiểu, sự “chậm trễ” này có thể là động thái để đơn vị sở hữu bản quyền và các bên liên quan tìm phương hướng xử lý một trong những vấn đề gây đau đầu, thậm chí là nhức nhối: vi phạm bản quyền. Còn nhớ, ở kỳ World Cup 2018, dù Việt Nam là quốc gia cuối cùng mua được bản quyền nhưng vẫn bị dọa cắt sóng bởi tình trạng vi phạm bản quyền từ các kênh, các trang web lậu. Chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày khai mạc, đã có đến 700 tài khoản khai thác bản quyền truyền hình trái pháp luật, theo các hình thức khác nhau.

Đó có thể là lý do khiến nhà đài năm nay thận trọng hơn.

Hồi đầu tháng này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố 48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật (tính đến hết quý III), cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng…). Dĩ nhiên, trong số đó có nhiều website phát sóng trái phép, vi phạm bản quyền các chương trình thể thao, đặc biệt là bóng đá… Những website này thường xuyên được người dùng tìm đến thay vì sử dụng các dịch vụ xem nội dung được cấp bản quyền chính thức.

Những website này được lưu ý, nhưng ngay cả khi xử lý thì cũng sẽ không thể hết, bởi sẽ lại có những kênh, những website khác được hình thành.

Làm thế nào để ngăn chặn?

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để ngăn tình trạng vi phạm bản quyền? Phải nói ngay rằng, việc xóa bỏ hoàn toàn những vi phạm này là vô cùng khó, thậm chí không thể, với những vấn đề nằm ngoài tầm với của đơn vị sở hữu cũng như cơ quan chức năng. Những hành động cần thiết hướng đến việc hạn chế tối đa có thể những vi phạm dẫn đến nguy cơ bị cắt sóng.

Có một điểm lưu ý liên quan đến tài chính mà mỗi lần xuất hiện đều dẫn đến câu hỏi đắt hay rẻ, là khi mua trọn gói bản quyền (như mức giá năm nay là 15 triệu USD chẳng hạn), có thể bao gồm cả việc họ giúp chúng ta tránh cho đơn vị rơi vào tình thế khai thác bản quyền nhưng không thể bảo hộ được bản quyền.

Có thể hiểu là, “tiền nào của nấy”. Bởi nếu không mua trọn gói sẽ phải chịu những điều kiện bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, mà điều kiện để bảo hộ chưa thực sự đầy đủ, không chặn được sóng trên lãnh thổ, chặn tín hiệu trên các hạ tầng, việc bị phạt là điều đương nhiên. Do đó, mua với giá cao cũng sẽ giảm thiểu độ rủi ro, là góc độ an toàn cho các nhà cung cấp.

Song song với những hành động pháp lý một cách quyết liệt, mạnh tay, đủ sức răn đe, việc kêu gọi ý thức của người xem cũng là cần thiết, dù biết rằng, vấn đề này cũng không hề đơn giản.

Bởi nó xuất phát từ việc họ cảm thấy kênh nào tiện lợi, phù hợp với mình để theo dõi - như việc vừa xem vừa có thể chat, bình luận, được nghe cách bình luận hài hước, nhiều chuyên môn… Thế nên, một trong những cách để tự bảo vệ mình là nhà đài cần có những chương trình hay hơn, hấp dẫn hơn, tránh việc lặp đi lặp lại, gượng ép, thậm chí có phần quá lố, hay kể cả chuyện cách bình luận. Khán giả xem qua truyền hình trả tiền có quyền được đòi hỏi chất lượng cao cả về chuyên môn chứ không chỉ chuyện hình ảnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn