MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Pha bóng dẫn đến việc tay đập Hồng Hạnh bị chỉ trích, đe dọa trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Bạo lực mạng xã hội nhìn từ một trận bóng chuyền nữ

LÊ VINH LDO | 31/03/2023 07:23
Câu chuyện xảy ra ở giải đấu bóng chuyền gần đây thêm một lần nữa chứng minh cho việc mạng xã hội không hề là ảo…

Sự hoảng sợ của vận động viên mới 20 tuổi

Trận Chung kết bóng chuyền nữ tại Cúp Hùng Vương 2023 tối ngày 25.3 giữa Hóa chất Đức Giang Tia sáng và Ninh Bình LienVietPostBank diễn ra hấp dẫn, kịch tính. Sau 3 set, tỉ số 2-1 nghiêng về đội bóng đến từ Thủ đô. Ở set 4, cuộc rượt đuổi tiếp tục căng thẳng cho đến tỉ số 23-24.

Thời điểm đó, Ninh Bình LienVietPostBank đang ở trạng thái tốt để hướng đến việc ngược dòng và đưa trận đấu đến set 5. Trong pha bóng tấn công của Hóa chất Đức Giang, Hoàng Hồng Hạnh bật cao đập bóng, trong khi ở bên kia, Nguyễn Thị Bích Tuyền cũng nhảy lên chắn. 

Bóng đập xuống phần sàn ngoài vạch sân. Hồng Hạnh vừa tiếp đất đã ra dấu báo rằng bóng chạm tay đối phương, trong khi ở phía bên kia, Bích Tuyền cùng các đồng đội ăn mừng điểm gỡ hòa.

Trọng tài Nguyễn Việt Phương - sau vài giây lưỡng lự - đã quyết định tính điểm cho Hóa chất Đức Giang. Sự lưỡng lự của trọng tài được thấy qua việc ông đã nhấc cánh tay phải lên, nhưng lại quay sang trái, nhận tín hiệu từ trọng tài biên xác nhận điểm cho Hóa chất Đức Giang. 

Ninh Bình LienVietPostBank phản ứng rất mạnh, nhưng giải đấu không sử dụng hệ thống “mắt thần” Challenge Eyes nên quyết định không thể thay đổi.

Sự bức xúc là điều dễ hiểu. Nhưng chuyện đáng nói ở đây là, ngay khi trận đấu kết thúc, rất nhiều người nhắn tin trên các trang mạng xã hội của Hồng Hạnh, với những lời lẽ chẳng mấy hay ho, thậm chí cả lời đe dọa... Vận động viên mới 20 tuổi bật khóc vì hoảng sợ, sau đó phải khóa trang cá nhân.

Sự việc xảy ra hẳn nhiên ảnh hưởng nhiều đến tâm lí của tay đập mới 20 tuổi...

Mặt trái của mạng xã hội

Với nhiều người, sự việc của Hồng Hạnh cuối cùng cũng chỉ là hạt muối bỏ thêm vào “biển mạng xã hội” vốn đã có quá nhiều chuyện tương tự. Không chỉ trong thể thao, không chỉ ở Việt Nam, những người nổi tiếng hoặc bất kỳ ai đều có thể rơi vào tình huống này.

Mạng xã hội có những điểm tích cực, nhưng khi được gọi là “thế giới ảo”, nó cũng vận hành theo thế giới thật, với bản tính của những con người thật. Thế nên, nếu thế giới thật có bạo lực thì mạng xã hội cũng có bạo lực. Người ta gọi đó là “bạo lực mạng xã hội”, với tác động một cách khủng khiếp đến tinh thần của “nạn nhân”. Người bản lĩnh thì coi đó là phiền phức, nhưng với đa phần, những lời thiếu văn hóa, dọa dẫm mang đến sự sợ hãi, lo lắng thường trực trong cuộc sống. 

Cũng có thể, những lời đe dọa chỉ được viết và gửi đi trong tâm trạng giận dữ, thất vọng vì thất bại của đội nhà, để rồi sau đó người viết cũng chẳng quan tâm nữa. Thế nhưng, với “nạn nhân” là những vết thương lòng sâu sắc.

Năm 2021, trung vệ Phil Jones của Manchester United thổ lộ rằng, anh không dùng mạng xã hội nữa, chỉ vì có rất nhiều lời chỉ trích, châm biếm, dè bỉu sau những sai lầm trên sân cỏ. 

Câu chuyện không hồi kết?

Với Hồng Hạnh, cô có đủ mạnh mẽ để sớm vượt qua hay không thì chưa biết, nhưng con đường phía trước sẽ rất khó khăn. 

Sau sự việc của Hồng Hạnh, cả Bích Tuyền cũng như một số vận động viên của Ninh Bình LienVietPostBank cũng lên tiếng đề nghị dừng việc chỉ trích nhằm vào cá nhân vận động viên. Họ hiểu, trong thi đấu, trạng thái tâm lý căng thẳng đều chỉ hướng đến một mục đích chiến thắng, không đồng nghĩa với việc đó là bản chất của vận động viên.

Mạng xã hội là nơi cho phép tự do ngôn luận, nhưng “mạng có luật của mạng”, chỉ là việc xử lí chưa đủ sức răn đe. Khi câu chuyện khó đi đến hồi kết, mỗi cá nhân cần trở thành những người sử dụng mạng xã hội văn minh, trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn