MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bởi Messi là “kẻ cô đơn” ở tuyển Argentina

GIANG ANH LDO | 23/06/2018 10:00
Nếu nói như ông thầy Fernando Santos khi ví von Ronaldo là “một ly rượu vang thượng hạng” thì sự im lặng, bất lực và khốn khổ của Messi trong màu áo Argentina là bi kịch, không khác gì “kẻ cô đơn”.

Từ “ly rượu vang thượng hạng” mang tên Ronaldo

“Như một ly rượu vang thượng hạng vậy, để càng lâu uống càng ngon”. HLV Santos dùng một so sánh rất đắt khi nói về trình diễn siêu đẳng của Ronaldo, khi hết lời ca ngợi cậu học trò cưng.

3 bàn thắng vào lưới Tây Ban Nha trong trận hòa 3-3 ngày ra quân, thêm pha ghi bàn giúp Bồ Đào Nha thắng Marocco 1-0, trở thành cầu thủ Châu Âu ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐTQG (85 bàn) khi phá kỷ lục tồn tại 62 năm của huyền thoại Ferenc Puskas, Ronaldo xứng đáng với mọi mỹ từ đẹp đẽ nhất.

Fernando Santos “ca” Ronaldo là phải, khi cả thế giới đang dưới cái bóng của CV7. Tất nhiên, giờ thì ông nói gì chẳng được. Bởi chính ông cũng khiến tất cả ngả mũ thán phục.

Ở tuổi 33, Ronaldo dưới bàn tay ông thầy này tiếp tục thăng hoa, sau khi đã giúp Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016. Bạn nhớ chứ, 2 năm trước cách người Bồ của Santos đã đăng quang theo cách kỳ lạ nhất, với chỉ duy nhất chiến thắng 1-0 trong 90 phút, còn đâu đều hòa rồi thắng ở hiệp phụ và luân lưu. Họ vô địch bằng thứ bóng đá tẻ nhạt, giết chết cảm xúc cùng tư duy bóng đá tiêu cực nhất có thể.

Thứ tư duy và quan điểm bóng đá mà Fernando Santos áp đặt, xây dựng đó tiếp tục tái hiện ở World Cup 2018 này để rồi Bồ Đào Nha vẫn đang tiếp tục thành công, với Ronaldo là đầu tàu và chơi còn hay hơn. 2 trận ghi 4 bàn, nhiều hơn số bàn thắng Ronaldo có được ở 3 kỳ World Cup trước đó và cũng đừng quên, ngôi sao này cũng đã từng gây thất vọng, thất bại như thế nào.

“Cậu ấy biết điều khiển cơ thể theo cách hợp lý nhất ở mỗi độ tuổi. Thật kỳ lạ, Ronaldo càng chơi càng hay theo thời gian, không như nhiều cầu thủ khác. Cậu ấy luôn biết mình phải làm gì. Những thứ đang diễn ra không lặp lại quá khứ những năm trước và chắc chắn những năm sau, cậu ấy còn làm được những điều tuyệt vời hơn…”. Santos nói trúng phóc về một cá nhân siêu việt, nhưng lý do vì sao 2 giải đấu lớn gần đây Ronaldo mới là chính mình, như ở CLB Real Madrid?

Là nhờ Bồ Đào Nha của Fernando Santos, đội bóng đã dám và có thể thay đổi, xây dựng một lối chơi để không chỉ phục vụ một ngôi sao. Những gì diễn ra ở EURO 2016 và 2 trận đầu tiên của World Cup 2018, điển hình nhất là việc nhường sân, chấp nhận phòng thủ chờ cơ hội phản công phần lớn trận đấu với Marroc sau khi có bàn thắng, chứng minh rõ điều đó.

Người Bồ với đội hình và chiến thuật có thể gọi là “chộp giật”, chỉ tập trung chơi bóng tình huống và tiếp cận trận đấu với các đối thủ đều với một nguyên tắc: Không tấn công, không cầm bóng nhiều hay tìm cách làm chủ trận đấu. Họ đẩy thế chủ động vào tay đối thủ để chờ khoảng trống và cơ hội cho Ronaldo phát huy những điểm mạnh nhất.

Cái hay của Bồ Đào Nha dưới tay HLV Santos là thế, làm tất cả vì Ronaldo. Và Ronaldo một mình có thể làm tất cả cho đội bóng. Messi không có cái may được chơi ở đội bóng và một ông thầy như thế, đó là khác biệt.

Thương hơn là trách Messi

Có 2 Messi, một của Barca thăng hoa, có thể làm những điều khó tin nhất và một của Argentina, lạc lõng, bất lực đến vô hại.

Ở Barca, chơi cạnh Messi là những siêu sao hàng đầu cỡ Iniesta, Xavi, Busquest, Suarez, Neymar… và những vệ tinh cực kỳ ăn ý, trong một hệ thống ăn vào tư duy cầu thủ mang tên Tiki - Taka mà ngôi sao này là mắt xích quan trọng nhất như “dấu chấm trên chữ i”. Argentina thì khác, khi các đồng đội luôn ở một khoảng cách khác về trình độ.

Sự bơ vơ và lạc lõng về trình độ chuyên môn, đó là điều đã được nói bao năm qua khi Messi không còn là chính mình khi về khoác áo ĐTQG. Sức ép và gánh nặng quá lớn mà một cầu thủ phải chịu đựng, như việc ở đất nước này chỉ tôn thờ và luôn đặt Messi trong so sánh với huyền thoại Maradona trong khi không bao giờ thôi định kiến với một “Messi của Barca, Tây Ban Nha chứ không thuộc về Argentina”, điều đó cũng đâu có mới.

Tuy nhiên, với tài năng và ảnh hưởng, 4 năm trước Messi từng dẫn dắt Argentina vào chung kết World Cup 2014 chỉ thua Đức ở trận đấu đầy oan nghiệt và nhiều trận chung kết khác nữa.

Ở đây, vẫn luôn là câu hỏi: Dùng Messi như thế nào và làm cách nào để Argentina giúp Messi phát huy tài năng? Ở World Cup 2018 sau 2 trận đấu, Argentina của Jorge Sampaoli đã không trả lời được câu hỏi đó. Nói đúng hơn, ông thầy đầu trọc với vẻ bặm trợn này không đủ tầm để cầm Argentina và khai thác Messi.

Chất lượng con người, với một thủ thành như Caballero vốn chưa từng đóng vai chính ở sân khấu lớn để rồi mắc sai lầm chết người, hay việc phải sử dụng một Mascherano đã 34 tuổi đang chơi bóng ở Trung Quốc làm chốt chặn nơi tuyến giữa, thất bại rồi ai cũng có thể chỉ ra. Tuy nhiên, cầu thủ Argentina không xuất sắc nhưng cũng đâu có mức yếu kém. Vấn đề nằm ở cái đầu, sự lo sợ và thiếu tự tin ở một đội bóng không có phương án để chiến thắng nên chỉ còn biết trông chờ vào Messi.

Argentina đã không thể coi trận hòa Iceland với quả penalty hỏng của Messi chỉ là tai nạn. Họ xoay sang đá 3 trung vệ để chơi xanh chín với Croatia, dù biết đối thủ nguy hiểm thế nào, thay vì chọn cách tiếp cận toan tính, chấp nhận đấu trí và cả nhún mình như cách Bồ Đào Nha hay Pháp đã chơi để có kết quả tốt nhất trước Marocco, Peru. Argentina “tự sát” khi chính trong lòng đội bóng run sợ mà thể hiện rõ nhất là gương mặt tái mét của Caballero hay sắc thái thất thần luôn muốn khóc của ông thầy Sampaoli. Và chính Messi, với biểu hiện không bình thường ngay lúc chào cờ hay chờ giao bóng, cho thấy sự bất an bởi ý thức được vấn đề của đội bóng mà mình đang gánh trọng trách.

Maradona đã ở đó, với chiếc áo số 10 của Messi và nụ hôn để động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho niềm hy vọng của Argentina. Thế nhưng chẳng giúp gì được, bởi Messi cần cái khác.

Một bệ phóng để chơi bóng thoải mái, với nụ cười và cái đầu nhẹ tênh thay vì trở thành một “kẻ cô đơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn