MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ánh Viên giành 8 HCV ở SEA Games 29. Ảnh: H.A

Bơi Việt Nam dưới cái bóng Ánh Viên

HOÀI VIỆT LDO | 06/09/2017 18:43
Tái lập thành tích ở Singapore 2015 với 8 HCV cùng 3 kỳ lục trên đất Malaysia và sau một kỳ SEA Games là tiêu điểm, Ánh Viên tiếp tục gánh trọng trách ở Đại hội Võ thuật và Thể thao Châu Á trong nhà (AIMAG) 2017.

“Bơi” từ SEA Games đến AIMAG

Kỳ Đại hội Thể thao ở Turkmenistan từ ngày 17-27.9 tới, quy mô và tính chất sẽ rất khác so với SEA Games, bởi sân chơi này mang tầm châu lục chứ không trong chỉ trong khu vực Đông Nam Á.

Ánh Viên đại diện cho bơi Việt Nam đến với AIMAG 2017 để thêm cơ hội thi đấu chứ không hẳn là tranh tài với những kình ngư hàng của Châu Á. Bởi theo quy định tại AIMAG, môn bơi tranh tài ở bể ngắn 25m thay vì bể dài thông thường 50m nên việc tranh chấp huy chương là không đơn giản.

Dù giành 8 HCV, nhưng chính Ánh Viên đã thừa nhận, SEA Games 29 này không phải là thành công, vì “tôi đã không đạt kết quả tốt và không giành được thêm những HCV như HLV đã đề ra”. Như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT) phân tích thì “hoàn thành nhiệm vụ giành 8 chiếc HCV, bảo vệ thành tích như kỳ SEA Games trước cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của Ánh Viên. Ở quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng khi chuẩn bị SEA Games 29 chúng ta đặt chỉ tiêu thành tích khiến Ánh Viên gặp sức ép. Với chỉ tiêu những 10 HCV, kể cả với một VĐV đã có đẳng cấp như Viên, không thể nói là không bị áp lực đè nặng”.

Áp lực đó, cùng với quan điểm “khoán thành tích” với một tài năng vẫn còn triển vọng phát triển, vươn lên những đỉnh cao mới, dường như đang một vật cản. So sánh với đối thủ lớn nhất trong khu vực là Singapore, sự chuẩn bị cùng chiến thuật, chiến lược của bơi Việt Nam là rất khác biệt.

Singapore, Joshep Schooling và Ánh Viên, Việt Nam…

Bơi Singapore dù có Joshep Schooling rất mạnh nhưng kình ngư này chỉ tập trung cho các nội dung trọng điểm và ưu việt nhất chứ không dàn trải. Các VĐV khác luôn được tạo cơ hội thử sức để cạnh tranh, vươn lên ở những nội dung Schooling không lựa chọn. Đó là cách Singapore phát triển, giúp các VĐV trẻ tự tin hơn, có cơ hội phát triển và duy trì sự kế thừa, tiếp nối.

Ngoài Ánh Viên, tại SEA Games 29 bơi nữ Việt Nam còn có Ngọc Quỳnh, Mỹ Thảo, Nhật Lam, Phương Trâm, Phương Anh, Ngọc Thúy. Do chưa thể mạnh như nữ kình ngư số 1 cũng như số cự ly (trong chừng mực sở trường) được thi đấu vừa phải, thế nên trọng trách giao dồn hết vào Ánh Viên, bởi mục tiêu, áp lực thành tích. Đó là một hạn chế, nếu nhìn ở mặt trái của thành tích với tính chiến lược cùng mục đích kế thừa, gây dựng.

AIMAG 2017 bơi Việt Nam chỉ hướng vào Ánh Viên với mục tiêu có 1 HCV. Theo tìm hiểu, kình ngư số 1 này tiếp tục đăng ký ít nhất khoảng 6-7 nội dung và do không có cơ hội tranh chấp nên Ngọc Quỳnh, Mỹ Thảo, Nhật Lam, Phương Trâm, Phương Anh, Ngọc Thúy sẽ được lựa chọn hạn chế để trao cơ hội tham dự. Đó là điều rất đáng tiếc, nhất là khi nhìn vào chính “tấm gương” Ánh Viên.

Khi mới bước ra ánh sáng, Viên đã được tạo điều kiện tập huấn và thi đấu nhiều. Ví dụ như lần đầu được đăng ký thi đấu ở SEA Games 2011 ở tuổi 15, kình ngư trẻ này không giành được tấm HCV nào. Thế nhưng sau giải đấu cọ xát, học hỏi đó rồi một giai đoạn tập huấn, từ SEA Games 2013, Viên bắt đầu bật vọt, trở thành mũi nhọn “hái HCV” cho bơi Việt Nam.

Trường hợp Nguyễn Diệp Phương Trâm giờ thành sự tiếc nuối nhất. Sau chương trình tập nửa năm tại Mỹ dang dở, tài năng trẻ đầy triển vọng được coi là “Ánh Viên mới” này chững lại về năng lực chuyên môn. SEA Games 29 dù là kỳ Đại hội thứ 2 trong sự nghiệp nhưng Trâm kém hơn hẳn so với các đối thủ Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia ở các nội dung góp mặt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn