MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giải bóng chuyền Cúp Cát Bà - Amatina. Ảnh: H.A

Bóng chuyền cũng cần có bản quyền truyền hình

HOÀI VIỆT LDO | 28/10/2022 07:00

Môn bóng chuyền đang là một trong những môn thu hút khán giải truyền hình theo dõi trực tiếp đông đảo thứ nhì tại Việt Nam, sau bóng đá. Hai năm trở lại đây, các giải bóng chuyền quốc nội đã được tường thuật trực tiếp nhiều hơn và câu chuyện bán bản quyền truyền hình đã được nói đến.

Nếu đặt câu hỏi trong lịch sử, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã bán được bản quyền truyền hình giải bóng chuyền trong nước do mình tổ chức hay chưa? Câu trả lời là có. Trước đây, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC từng là đơn vị mua bản quyền truyền hình và ký kết với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Lúc đó, mức chi phía trong khoảng 500 triệu đồng/năm. Dù thực tế ai cũng hiểu, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chấp nhận bỏ chi phí như vậy như một hình thức đồng hành tài trợ cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam bởi kênh sóng của Đài truyền hình này phát về bóng chuyền thu hút được người xem, cũng như có thành viên ban chấp hành Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là người của VTC. Đó là chuyện quá khứ.

Hiện tại, các giải bóng chuyền từ giải trẻ toàn quốc, trẻ vô địch các câu lạc bộ toàn quốc, vô địch hạng A toàn quốc và vô địch quốc gia của môn bóng chuyền đều được phát sóng trực tiếp trên kênh sóng của Công ty truyền hình cáp Đài truyền hình Việt Nam - VTVCab nhưng vẫn đang là miễn phí. Qua tìm hiểu thông tin từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thì việc ký kết và bán bản quyền truyền hình của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với đơn vị truyền hình trực tiếp này chưa có. Bởi lẽ, tất cả vẫn đang là sự song hành cùng nhau nâng cao hình ảnh các giải đấu của môn bóng chuyền trong nước để tăng sức hút với khán giả chứ bài toán kinh tế chưa hình thành.

Dù thế, ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng bày tỏ rằng, sẽ đến một thời điểm khi các điều kiện thuận lợi cũng như giải đấu của bóng chuyền Việt Nam có sức hút là tính đến bài toán bán bản quyền truyền hình. Ông Trường tin rằng, việc này sẽ sớm thực hiện. Lúc này, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là ông Hoàng Ngọc Huấn hiện đang là Tổng Giám đốc VTVCab và trưởng ban tài chính, tài trợ truyền thông của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam là bà Nguyễn Hoàng Phương (Phó Tổng Giám đốc VTVCab). Dễ thấy, những cá nhân nắm giữ vai trò quản lý quan trọng của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đều là người của nhà Đài nên câu chuyện phải thu được lợi nhuận từ bản quyền truyền hình không thể bỏ rơi và để chờ quá lâu.

Bóng chuyền Việt Nam muốn bán được bản quyền truyền hình, trước tiên phải mang được chất lượng tốt, hình ảnh tốt thu hút các nhà đài. Đó là lý do vì sao, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam định hướng đến năm 2025, giải bóng chuyền vô địch quốc gia chỉ còn 8 đội nam và 8 đội nữ thi đấu. Hiện tại, số đội góp mặt ở giải là 10 đội nam và 10 đội nữ. Thời gian trước, đã có thời điểm bóng chuyền vô địch quốc gia thu hút 12 đội nam và 12 đội nữ góp mặt nhưng chất lượng chuyên môn thi đấu nhìn chung không được cao. Sự phản ánh rõ nhất là từ khán đài trống vắng khán giả cũng như chỉ đông người vào xem ở một số trận đấu tâm điểm.

Ngoài ra, thời gian thi đấu mỗi vòng của giải vô địch quốc gia thường quá dài, các trận được tổ chức thi đấu từ chiều cho đến tối nên rất khó thu hút người xem bỏ nhiều thời gian ngồi xem. “Chúng tôi đã định hướng tăng cường chuyên môn giải vô địch quốc gia theo lộ trình giảm số đội nam xuống còn 8 và số đội nữ còn 8. Chọn lọc chất lượng đội bóng chính là để mang lại những cuộc đấu hấp dẫn hơn cho người xem”, ông Trường từng phân tích.

Giải đấu bóng chuyền trong nước từng thực hiện phương án bán vé vào cửa. Tuy nhiên, việc áp dụng này chưa hẳn đã hiệu quả cũng như nguồn thu từ bán vé chưa cao. Nếu điều này thực hiện quy củ và làm tốt công tác tài chính thì vé vào của cũng là một trong những nguồn thu tốt cho đơn vị địa phương tổ chức giải đấu và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Khi chất lượng chuyên môn được nâng tầm, bài toán về bán bản quyền truyền hình hoàn toàn khả thi với nhà quản lý môn thể thao này bởi vì đây là nguồn thu chính đáng. Giải đấu là sản phẩm sở hữu của ban tổ chức, ban tài chính tài trợ truyền thông của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam có cơ sở để chào bán tới các nhà Đài có nhu cầu làm trực tiếp bóng chuyền trong nước.

Trên thực tế, trừ giải bóng chuyền vô địch quốc gia còn lại các giải khác nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia (kể cả bóng chuyền bãi biển) vẫn khó kêu gọi tài trợ và Tổng cục Thể dục Thể thao cùng Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn tự lực tổ chức là chính. Giải bóng chuyền vô địch quốc gia hiện đã ký được hợp đồng tài trợ kéo dài ba năm, đồng thời nhà tài trợ gắn tên với giải đấu và mức tài trợ là 3,5 tỉ đồng/năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn