MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội tuyển bóng chuyền nữ trong trận chung kết AVC Challenge Cup 2023. Ảnh: VFV

Bóng chuyền Việt Nam có sự thăng hoa nhưng cần hiệu quả

HOÀI VIỆT LDO | 26/06/2023 15:33
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có thành tích làm điểm tựa, chúng ta cần nhiều hơn sự bền vững trong lộ trình phát triển nói chung và tránh đứt đoạn.  

Giờ mới thấy rõ hiệu quả

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã thắng đội nữ Indonesia và giành cúp vô địch giải AVC Challenge Cup 2023.

Với kết quả trên, từ đầu năm nay, chúng ta đã giành được hai cúp vô địch giải thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn bóng chuyền châu Á (AVC). Trước AVC Challenge Cup 2023, đội bóng chuyền nữ Việt Nam đã vô địch Cúp các câu lạc bộ bóng chuyền nữ châu Á 2023.

Các nhà quản lí đã sớm nắm bắt được vấn đề mấu chốt rằng đội tuyển bóng chuyền quốc gia được thi đấu nhiều giải quốc tế chắc chắn sẽ thay đổi từ tinh thần đến chuyên môn.

Thế nhưng, những giai đoạn trước, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam ít mạnh dạn đăng kí đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam dự các giải ngoài khu vực Đông Nam Á và trên hết vẫn chỉ nhắm vào SEA Games.

Thực tế, SEA Games diễn ra theo chu kỳ hai năm/lần nên sự cọ xát của các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam là không nhiều. Bóng chuyền nữ Việt Nam đã thay đổi diện mạo đáng kể từ năm 2022 đến bây giờ. Cầu thủ của đội tuyển đang ở thời điểm vận động hết công suất do được thi đấu quá nhiều giải. Năm 2022, ngoài SEA Games 31, cầu thủ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam còn được thi đấu Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2023, giải bóng chuyền ASEAN Grand Prix 2022.

Năm nay, tính trung bình, đội tuyển bóng chuyền nữ được dự mỗi tháng một giải quốc tế. Sau Cúp các câu lạc bộ nữ châu Á 2023, đội tuyển được thi đấu SEA Games 32, giải AVC Challenge Cup 2023. Tới đây, thầy trò của huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ tiếp tục dự giải FIVB Challenge Cup 2023, giải vô địch châu Á 2023, ASIAD 19, ASEAN Grand Prix 2023, VTV Cup 2023, Cúp các câu lạc bộ nữ thế giới 2023.

Đấy là chưa kể, vì lịch quá dày đặc, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao đã giảm bớt việc đăng kí đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dự Đại hội thể thao châu Á và võ thuật trong nhà 2023 (diễn ra tại Thái Lan, tháng 11.2023).

“Bội thực” giải đấu là thấy rõ. Tuy nhiên, sự “bội thực” ấy vẫn có phương hướng giải quyết phù hợp và chúng ta đang cần điều ấy. Nghĩa là, cầu thủ đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam được thêm nhiều giải đấu để khẳng định chuyên môn và như huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt từng phân tích rằng chỉ có thi đấu với đối thủ hơn tầm mình và được đối đầu với những trường phái khác nhau thì cầu thủ chúng ta dạn dày hơn về kinh nghiệm.

Bóng chuyền nữ Thái Lan từng có sự khởi đầu như thế. Nhà quản lí thể thao Thái Lan tạo điều kiện tối đa cho đội tuyển bóng chuyền nữ dự các giải theo cấp độ chuyên môn vừa tầm ở dưới rồi dần cải thiện thành tích để bây giờ đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan dự Olympic, ở trong hai vị trí đứng đầu của ASIAD cũng như thi đấu vô địch thế giới và giải Volleyball Nations League danh giá.

Tuy nhiên, đội bóng này có tính kỉ luật và sự chuyên nghiệp chuyên môn đáng trân trọng là dù ở đẳng cấp cao nhưng chưa bao giờ nói không với SEA Games. Và khi đã dự SEA Games, cầu thủ thi đấu với quyết tâm cao nhất.

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang hướng đến điều như vậy. Và như thế, hình ảnh các cô gái chân dài của bóng chuyền nữ luôn đẹp trong người hâm mộ từ chuyên môn đến thành tích, và sự thân thiện, tính chuyên nghiệp của thể thao.

 Bóng chuyền nữ Việt Nam nhận danh hiệu vô địch AVC Challenge Cup 2023. Ảnh: VFV

Bóng chuyền cũng sẽ mang lại kinh tế tốt

Chắc chắn, hình ảnh đội tuyển bóng chuyền nữ đang lên cao là tín hiệu tích cực cho nhà quản lí bóng chuyền bởi các giải đấu bóng chuyền tại Việt Nam được tăng thêm sức hút. Từ đó, câu chuyện về tìm được các nguồn kinh phí, tài trợ, bản quyền truyền hình tăng thêm để mang về kinh tế thể thao bền vững cho bóng chuyền Việt Nam nói chung. 

Tổng thư kí Lê Trí Trường của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng đưa quan điểm: “Thực tế trong bóng chuyền, đối với bóng chuyền nữ và giải đấu cao nhất chỉ có 10-20% các đội bóng thuộc doanh nghiệp, còn lại các đội bóng vẫn thuộc kinh phí của nhà nước, của các Sở Văn hóa Thể thao; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài ra có thêm những sự tài trợ ngoài.

Chính vì vậy Liên đoàn đang từng bước thay đổi dần, hiện nay chúng tôi đã thay đổi về thể thức thi đấu để tính cạnh tranh cao hơn để vòng đấu nào, trận đấu nào cũng quan trọng với các đội, cùng với đó là sự đảm bảo tính công bằng cho các đội.

Thứ nữa, để phục vụ cho khán giả chúng tôi đã tính toán thời gian thi đấu sao cho phù hợp với khán giả tới theo dõi trực tiếp cũng như khán giả theo dõi qua truyền hình và internet. Có nhiều hình thức để chúng tôi thay đổi.

Tuy nhiên, dù thay đổi theo hình thức nào đi chăng nữa chúng tôi sẽ luôn lựa chọn tính phù hợp với các điều kiện hiện nay của Việt Nam để dần dần hướng đến hình thức thi đấu dạng League (đấu sân nhà - sân khách) và chỉ diễn ra vào cuối tuần để thời gian khán giả được thưởng thức”.

Dù thế, khi đã định vị được giải đấu, điều thu hút được khán giả là cầu thủ. Khán giả và nhà tài trợ, các nhà đại chịu bỏ tiền mua bản quyền truyền hình khi có ngôi sao. Bây giờ, qua mỗi giải quốc tế, 14 cầu thủ chính thức của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang dần khẳng định mình và họ là những người tạo dựng hình ảnh tốt cho bóng chuyền Việt Nam nên sức hút chính là từ họ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn