MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các câu lạc bộ ở V.League không chỉ thích ứng với các vấn đề chung mà cả những khía cạnh sát sườn trong đại dịch COVID-19. Ảnh: VPF

Bóng đá nội tìm đủ cách thích nghi với COVID-19...

TAM NGUYÊN  LDO | 22/01/2022 17:29

Năm ngoái, Ban tổ chức V.League cũng nói sẵn sàng thích nghi với dịch COVID-19…

Sẵn sàng mà vẫn phải hủy

Dịch COVID-19 đã gây tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội trong 2 năm qua. Mọi mặt đời sống đều bị ảnh hưởng, trong đó có thể thao. Năm ngoái, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (V.League1, V.League 2) đã phải hủy giữa chừng, dù trước đó, Ban tổ chức vẫn luôn nói rằng, “sẵn sàng thích nghi với COVID-19” và “chủ động thích nghi”.

Văn bản, giấy tờ với mục đích hướng dẫn, nhiều quy định cũng được đặt ra, mang đến sự chi tiết nhất có thể. Trong khi đó, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng nhấn mạnh về sự chủ động các giải pháp để thích nghi.

Nhìn lại năm 2021, chỉ có kế hoạch của đội tuyển bóng đá nam là được thực hiện khi phải thi đấu tại vòng loại World Cup và AFF Cup. Trong khi đó, dù sẵn sàng đến như vậy, V.League vẫn phải hủy chỉ sau 12 vòng đấu.

Đưa ra quyết định hủy kết quả của cả mùa giải kéo theo rất nhiều hệ lụy, trong đó, nhiều người tiếc cho Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, trong khi các đội đang ở nhóm cuối bảng lại tỏ ra hài lòng. Ở đây, bỏ qua những vấn đề hậu trường liên quan đến lợi ích của các câu lạc bộ, câu hỏi đặt ra là, sự sẵn sàng của Ban tổ chức - cụ thể là VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), được thể hiện thế nào?

Đó là sự sẵn sàng chưa đủ luận cứ thuyết phục để khẳng định rằng, giải đấu nên tiếp tục thay vì phải hủy bỏ như vậy. Đành rằng, vẫn có quy định chung nhưng có lẽ, ban tổ chức chưa đủ quyết liệt để bảo vệ quan điểm của mình. 

Phương án nào?

Những bài học về cách tổ chức của các giải đấu hàng đầu Châu Âu đã có, khi dịch bệnh còn phức tạp hơn nhiều. Sử dụng đến khái niệm “thích ứng” nghĩa là phải chuẩn bị được nhiều phương án, sẵn sàng chuyển đổi khi cần thiết và đương nhiên, khi đã thích ứng thì điều kiện tiên quyết là “phản ứng nhanh”. 

VPF có đặt ra các kế hoạch dự phòng về cách giải quyết về các trường hợp mùa giải đã hoặc chưa đi được nửa chặng đường, với việc sẽ chuyển sang giai đoạn 2 (nhóm tranh chức vô địch, nhóm trụ hạng) hoặc thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, tốt nhất là thực hiện được cơ chế bong bóng hoặc tổ chức theo cụm sân ở từng miền, để đảm bảo tính liên tục của giải đấu.

Với các câu lạc bộ

Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của VFF và VPF, nhưng để vận hành thì hẳn nhiên phải là chủ thể - các đội bóng. Sự sẵn sàng của họ đến đâu? Đã có những phương án nào được vạch ra để trả lời cho các câu hỏi về những tình huống xảy ra?

Ở khía cạnh nào đó, việc hủy giải năm 2021 có nguy cơ tạo ra một tiền lệ mà sự phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan cùng tình thế chủ quan là chỗ dựa để các đội bóng đòi hủy. Do vậy, ngay từ các câu lạc bộ, họ phải đảm bảo được vấn đề chống dịch theo yêu cầu chung.

Nhưng cũng có khó khăn với họ là vấn đề nhân sự. Hiện tại, các câu lạc bộ đã có nhiều trường hợp dương tính với COVID-19, việc tập luyện, thi đấu giao hữu gặp nhiều trở ngại. 

Mùa giải chưa khởi tranh nhưng rõ ràng là chưa thể đánh giá được vấn đề dịch bệnh sẽ diễn biến tiếp theo ra sao. Để tránh nguy cơ thiếu người (nếu số cầu thủ nhiễm bệnh tăng cao), các đội bóng có nên tuyển thêm quân? Tuyển thêm thì theo dạng hợp đồng nào, đảm bảo không quá ảnh hưởng đến khía cạnh tài chính?

Năm nay, lịch thi đấu cho các cấp đội tuyển quốc gia là khá nhiều, thế nên, việc các cầu thủ được thi đấu thường xuyên là điều quan trọng để tạo “nguồn cung” cho Huấn luyện viên Park Hang-seo. Do đó, ngay cả trong những tình huống khó nhất cũng nên tìm cách thích ứng để duy trì, thay vì cứ sẵn sàng nhưng vẫn bị hủy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn