MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bóng đá nữ việt Nam đang từng bước chuyển mình. Ảnh: Hoài Thu

Bóng đá nữ và sự chuyển mình đáng chờ đợi

PHƯƠNG TRANG LDO | 08/10/2021 11:05
Dẫu còn những bất cập nhưng không hẳn bóng đá nữ Việt Nam chỉ toàn một màu xám. Vẫn có những tia sáng đánh dấu sự chuyển mình để kỳ vọng vào tương lai.

Những chính sách thúc đẩy bóng đá nữ 

Cách đây vài năm, các trung tâm phát triển bóng đá nữ chủ yếu thuộc về Nhà nước vẫn áp dụng các chế độ cũ dành cho vận động viên thể thao đỉnh cao và vận động viên năng khiếu tuyến tỉnh với định mức tương đối thấp. Theo tìm hiểu của Lao Động, chế độ ăn cho vận động viên chỉ rơi vào khoảng hơn 100.000 đồng/ngày.

Đặc biệt, mức tiền công khi ấy sẽ khiến nhiều người phải “giật mình”. Tiền công tập luyện cho các vận động viên tuyến trẻ chỉ ở mức 40.000 đồng/ngày. Vận động viên đỉnh cao thì mức tiền công cũng dừng lại ở 80.000 đồng/ngày.

Thế nên, câu chuyện câu lạc bộ nữ Sơn La sau giải Nữ vô địch quốc gia 2019 chỉ còn đúng 6 cầu thủ. Ngoài một vài trường hợp lập gia đình hoặc đi học, phần đông cầu thủ chọn… bỏ nghề đi làm công nhân. Lý do là bởi công nhân có mức lương cũng 7-8 triệu đồng/tháng, tăng ca nữa cũng có thể đạt 10 triệu.

Trong khi đó, đội Sơn La chỉ có thể đảm bảo mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng theo chế độ vận động viên của tỉnh, đã bao gồm phụ cấp. Ngoài ra, nếu có nhà tài trợ lớn thì sẽ nhận thêm 1-2 triệu đồng vào thời điểm thi đấu.

Còn có chuyện lãnh đạo nhiều câu lạc bộ phải “căn” từng đồng tiền ăn, làm sao để vừa đủ chất và vừa “dôi dư” cho vận động viên có đồng ra đồng vào tiêu vặt. Nhìn vào có cảm giác lãnh đạo “làm sai”, nhưng thực ra họ đã phải đóng vai trò “kế toán” để cải thiện đời sống cho vận động viên.

Nhưng trong khoảng thời gian gần đây, khi Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 86/2020/TT-BTc của Bộ Tài chính đã mở ra một chương mới. Trong thời gian tập trung thi đấu tại giải thể thao thành tích cao, chế độ dinh dưỡng như sau: Đội tuyển trẻ quốc gia, Đội tuyển cấp tỉnh, ngành được hưởng 320.000 đồng/người/ngày; Đội tuyển trẻ cấp tỉnh, ngành: 240.000 đồng/người/ngày.

Về chế độ tiền công, các vận động viên tuyến trẻ cấp tỉnh nhận mức 80.000 đồng/ngày, số tiền này với các vận động viên động viên đỉnh cao cấp tỉnh là 180.000 đồng/ngày. Con số tăng gần gấp đôi, cộng với các khoản phụ cấp khác, cầu thủ nữ đã có thể yên tâm hơn khá nhiều. 

Trao đổi với Lao động, ông Lường Văn Chuyên - huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ nữ Sơn La phấn khởi: “Sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành giúp người làm chuyên môn như chúng tôi yên tâm hơn. Ở địa phương miền núi đặc thù như Sơn La, mức thu nhập mới phần nào có thể hấp dẫn các gia đình cho con em đến với bóng đá”.

“Bản thân vận động viên được lo hoàn toàn về đời sống sinh hoạt, các nhu cầu cơ bản nên khoản tiền có thể dùng để phụ giúp gia đình. Tôi cũng phân tích cho học trò liên tục để các em tập trung việc cống hiến cho tỉnh nhà”, nhà cầm quân này nói thêm.

Thay đổi tư duy

Trường hợp 3 cầu thủ nữ là Huỳnh Như, Hải Yến và Tuyết Dung không thể xuất ngoại cũng là một gợi ý khác khiến các nhà quản lý phải suy nghĩ. Theo tìm hiểu của Lao Động, “biên chế” chính là lý do khiến 2 trong số 3 cầu thủ này không thể ra nước ngoài. Sau thành tích tại SEA Games 30, nhiều cầu thủ nữ nằm trong diện xét duyệt vào biên chế Nhà nước.

Bởi vậy, thời điểm ấy họ không thể ra nước ngoài thi đấu vì sợ lỡ cơ hội ổn định cho tương lai, dù mức thu nhập 1 năm ở Bồ Đào Nha cao hơn rất nhiều lần. Cầu thủ còn lại dù được “bật đèn xanh” nhưng rồi cũng quyết định dừng lại bởi lo ngại việc mình không thể thích nghi với môi trường Châu Âu.

Lật lại quá khứ, “chuyển nhượng” với bóng đá nữ là một khái niệm gì đó rất mơ hồ. Trong khi chính hoạt động chuyển nhượng và giá trị của những vụ chuyển nhượng mới là yếu tố tạo ra động lực cho việc tập bóng đá.

Năm 2015, Tuyết Dung từng nhận được đề nghị chuyển nhượng với phí lót tay hàng trăm triệu. Câu lạc bộ Phong Phú Hà Nam cũng sẽ nhận một số tiền tương ứng số năm còn lại của hợp đồng với tiền vệ sinh năm 1992. Nhưng rồi, chẳng có vụ chuyển nhượng nào xảy ra cả. Tuyết Dung giờ cũng là viên chức của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam. 

Với sự “hậu thuẫn” của bầu Hiển, đội nữ Thái Nguyên thi đấu tiến bộ trông thấy, cứ thắng trận là thầy trò huấn luyện viên Đoàn Việt Triều nhận tiền “thưởng nóng”. Có được nguồn lực tài chính để tìm kiếm cầu thủ, nhưng Thái Nguyên cũng… bó tay trong việc tìm nhân sự mới, bởi ít cầu thủ nữ nghĩ đến việc chuyển đội, trừ khi họ không thể ở lại đội bóng cũ.

Bóng đá nữ Việt Nam hiện nay cũng đang ở trạng thái của bóng đá nam nhiều năm về trước. Cần một sự đổi mới về tư duy để có thể biến bóng đá nữ thành một nghề thực sự hấp dẫn, khi đó chúng ta mới có thể tìm được đầu vào cầu thủ thực sự tốt. “Có bột mới gột nên hồ”, “nghèo vượt khó” không thể mãi là thông điệp của bóng đá nữ Việt Nam nếu muốn vươn tầm World Cup.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn