MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bóng đá, trường công, trường tư

TRẦN ĐẠI LDO | 28/09/2017 11:36

Không phải cho đến bây giờ, người ta mới tranh cãi về câu chuyện cho con học trường công hay trường tư.

Học trường công lập thì học phí ít hơn nhưng luôn chật chội, có khi 60 em/lớp, cơ sở vật chất ít được đầu tư và học trò thì hay phải đi học thêm (các vị phụ huynh nói với nhau thế).

Ở trường tư học sinh được chăm sóc tốt hơn, ít bị áp lực học hơn, lớp chủ trên dưới 20 bạn, được học ngoại khóa nhiều hơn. Bù lại, học phí gấp 4-5 lần trường công.

Còn lựa chọn thứ ba là đi du học, hay có người gọi đùa là “tị nạn giáo dục”.

Các hình thái giáo dục này, đã và đang áp dụng cho… bóng đá. Đã có thời VFF- với sự hỗ trợ của ngân sách và một số khoản tiền của FIFA đã cố “nặn” ra một số lớp đào tạo năng khiếu do mình quản lý. Đấy là kiểu bóng đá công lập, ăn ở tập trung tại Trung tâm đào tạo bóng đá. Kết quả là gần như không cho ra lò một cầu thủ thật sự có năng khiếu nào.

Trong khi đó khối “trường tư” nở rộ, nổi bật là các học viện bóng đá PVF, học viện bóng đá NutiFood- Arsenal và đặc biệt là học viện bóng đá HAGL.

Khác với kiểu trường công lập, đào tạo theo… nghị quyết VFF thì các học viện tư nhân là câu chuyện kinh doanh. Họ đầu tư sân bãi, đầu tư cho cầu thủ trong nhiều năm trời để rồi đưa cầu thủ - là một thứ sản phẩm - ra thị trường chuyển nhượng.

Tất nhiên, không phải lúc nào cũng may mắn và được giá. Nhưng ít nhất, người ta đã thấy thành công từ mô hình trường tư của bầu Đức với lứa Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường… Những cầu thủ đang được “bầu” Đức “tặng không” cho Đội tuyển Quốc gia.

Sẽ khó khăn để có nhân tài nếu chỉ trông vào sự độc quyền giáo dục của hệ thống trường công lập.

Bóng đá, có vẻ như may mắn hơn bởi chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận kinh tế thị trường.

Trong khi chính giáo dục lại loay hoay trong việc tìm góc sút và ghi bàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn