MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CLB Hà Nội không cấm cầu thủ xem World Cup, vẫn thi đấu khung giờ muộn mà không sợ vắng khán giả. Ảnh: H.A

Bóng đá Việt dám “chấp” cả World Cup!

GIANG ANH LDO | 11/06/2018 07:17
Bất chấp ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trên đất Nga, bóng vẫn lăn trên sân cỏ Việt Nam và V.League, chấp nhận cạnh tranh với cả World Cup 2018.

Qua rồi những cơn ác mộng

Đã có một thời, cứ những năm chẵn với World Cup hay EURO diễn ra là bóng đá Việt Nam lại giống như trải qua một cơn bão, với rất nhiều dư chấn với hậu quả nặng nề. Rất nhiều cầu thủ vỡ nợ, mất nghiệp bởi vấn nạn cá độ, đánh bóng khi bị cuốn theo vòng quay của những trận cầu đỉnh cao. Thậm chí, có CLB còn mất cả chức vô địch khi “cơn bão World Cup” tràn qua, như B.Bình Dương mùa 2010.

Khi nhắc đến chức vô địch V.League 2010 của Hà Nội T&T, nhiều người vẫn nói về việc đội bóng Thủ đô được “quy hoạch” nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, đó là mùa giải họ xứng đáng nhất, dù không thực sự thuyết phục. Và một trong những lý do giúp Hà Nội T&T lên ngôi là đối thủ lớn nhất, B.Bình Dương “tự bắn vào chân mình”.

Sau lượt đi, SHB Đà Nẵng dẫn đầu với sự bám đuổi quyết liệt của đội bóng đất thủ. Trận đầu tiên của lượt về, B.Bình Dương vươn lên ngôi đầu bảng và tiếp tục chiến thắng ở vòng 15 để an tâm bước vào kỳ nghỉ nhường chỗ cho World Cup 2010. Thế nhưng khi trở lại, họ tuột dốc không phanh rồi tự đầu hàng trong cuộc đua vô địch. Rất đau cho B.Bình Dương và người trong cuộc biết, đội tự thua chính mình do nhiều ngôi sao tiền tỉ ngập sâu vào bóng bánh. Trong khi đó, nhờ quản lý và kiểm soát tốt trong kỳ World Cup, Hà Nội T&T tăng tốc để rồi tận dụng cơ hội tiến đến chức vô địch.

Giai đoạn từ 2006 đến 2012, thị trường chuyển nhượng cầu thủ của bóng đá Việt Nam bùng nổ, với nhiều những bản hợp đồng tiền tỉ. Giá trị cao, bỗng dưng có rất nhiều tiền nên nhiều cầu thủ thành tay chơi thực sự, bị cuốn vào trào lưu đánh bóng rồi lâm vào cảnh “sinh nghề, tử nghiệp”. EURO 2008 và 2 kỳ World Cup 2006, 2010 chính là cao trào với những giai thoại về việc cầu thủ này, cầu thủ kia bỗng nhiên “đóng phim… mất tích” rồi việc đánh mất tất cả của những tỉ phú đá bóng như: Như Thành, Đoàn Việt Cường, Quang Thanh, Đắc Khánh, Huy Hoàng... đến tận sau này, khi nhắc lại giới bóng đá vẫn sốc.

Nhiều bài học và tấm gương tày liếp cùng với cuộc khủng hoảng sâu rộng của bóng đá Việt từ năm 2012 đã khiến vấn nạn kinh hoàng một thời không còn là nỗi ám ảnh. Thêm nữa, bắt đầu từ thế hệ 92-93 thì cầu thủ Việt Nam đã hình thành được ý thức giữ gìn tiền bạc lẫn nghề nghiệp và gần như nói không với cá độ. Thế nên bắt đầu từ World Cup 2014, không còn tồn tại khái niệm cấm trại hay đi từng phòng kiểm tra cũng như việc quản lý quân không còn là bài toán nan giải với các CLB ở V.League.

V.League cạnh tranh với World Cup

Ở 2 giải đấu lớn gần đây, V.League vẫn đá bình thường khi World Cup 2014 rồi EURO 2016 đang diễn ra chứ không nghỉ cả tháng như trước đó. World Cup 2018 này, thậm chí lịch thi đấu còn dày đặc và đá liền đến giữa tháng 7 mới nghỉ để nhường chỗ cho U.23 Việt Nam tham dự Asiad 19 diễn ra vào tháng 8.

Ngày 13.6, tức là 1 ngày trước khai mạc World Cup 2018, V.League 2018 kết thúc lượt đi và chỉ đúng 3 ngày sau, lượt về diễn ra luôn rồi 7 vòng đấu ở giai đoạn quyết định thành bại của mùa giải diễn ra song song cùng ngày hội bóng đá trên đất Nga.

Bởi ý thức và sự chuyên nghiệp được cải thiện, trong khi tác động của World Cup không còn nhiều nên ngay từ đầu năm, đơn vị tổ chức là VPF đã chủ động xếp lịch để V.League đá song song cùng World Cup.

Lịch thi đấu các trận muộn cũng không cần đẩy lên kể cả trùng với các trận thư hùng tại Nga và không lo mất khán giả. Trong khi đó, những nỗi lo hay ám ảnh cũng không còn nên các CLB cũng không cần ban hành chế độ đặc biệt mùa World Cup. Khảo sát một vòng, từ đội bóng đang dẫn đầu bảng và nhìn thấy cơ hội vô địch sớm như Hà Nội đến đội cuối bảng Nam Định, từ Hải Phòng đến FLC Thanh Hóa, CLB Sài Gòn hay B.Bình Dương… thì các HLV Chu Đình Nghiêm, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng, Phan Văn Tài Em, Minh Phương, Đặng Trần Chỉnh… đều cho rằng sự ảnh hưởng là không lớn và cũng không cần ra lệnh cấm đoán hay hạn chế đội xem World Cup.

Trên thực tế, do đặc thù nghề và yêu cầu luyện tập nên trừ những trận đấu sớm (khung giờ 18h30, 20h30, 21h30) thì đa phần giới cầu thủ, HLV lâu này đều không theo dõi World Cup như một khán giả bình thường.

Có thể nói, khán giả, V.League, cũng như đời sống bóng đá Việt thời điểm này không bị xáo trộn, ảnh hưởng nhiều bởi World Cup, nên không cần tránh, mà sẵn sàng cạnh tranh với giải đấu lớn nhất hành tinh này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn