MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HLV Đinh Thế Nam đã mang đến một hình ảnh đẹp cho U.23 Việt Nam, dù thời gian làm việc rất ngắn ngủi. Ảnh: VFF

Bóng đá Việt Nam: Đào tạo trẻ từ góc nhìn văn hóa

TAM NGUYÊN LDO | 03/03/2022 12:30

Có một hình ảnh của đội U.23 Việt Nam mà không nhiều người để ý và hẳn đó là một trong những lý do đóng góp vào chức vô địch giải U.23 Đông Nam Á vừa qua.

Sự khích lệ trên đường ra sân

Những chàng trai trẻ lứa U.21 của bóng đá Việt Nam đã được tận hưởng trái ngọt đầu tiên trong sự nghiệp còn mới mẻ của mình. Họ giành chức vô địch giải U.23 Đông Nam Á 2022 sau một hành trình mà giới chuyên môn không hết chuyện để nói và người hâm mộ không thể ngớt những lời khen.

Giữa muôn trùng khó khăn trên đất Campuchia, các cầu thủ đã vượt qua bằng ý chí và tinh thần. Nhưng câu hỏi đặt ra là, với đội hình đông đảo cầu thủ (tổng cộng 37 người) đến từ nhiều câu lạc bộ khác nhau, từ phía Bắc xuôi xuống miền Nam, từ miền Trung nắng lửa đến những Trung tâm đào tạo, từ câu lạc bộ ở V.League cho đến các đội ở hạng Nhất… lý do nào đưa họ đến với một điểm chung như vậy?

Tin chắc rằng, ai cũng sẽ nói, đó là “tiếng gọi của Tổ quốc”. Điều đó là đương nhiên, nhưng có thể khẳng định rằng, trước khi hiểu được trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, họ cần được sự định hướng, mà không ai khác, huấn luyện viên trưởng là nhân vật được ví như kim chỉ nam cho hành động.

Nhiều người quan tâm đến các nhân vật chính, sau quá nhiều khó khăn mà họ trải qua, nên cũng không để ý đến một hình ảnh rất đặc biệt của U.23 Việt Nam tại giải vừa qua. Đó là trên đường các cầu thủ đá chính ra sân, huấn luyện viên trưởng, ban huấn luyện và các cầu thủ dự bị đứng xếp hàng và vỗ tay động viên, khích lệ.

Chắc hẳn, nó có một giá trị nhất định để tạo ra một tập thể có sự đồng lòng như vậy. Chắc hẳn, điều đầu tiên mà 2 nhóm cầu thủ “viện binh” được truyền đạt khi đến với đội cũng là vấn đề đó.

1 ngày sau chức vô địch mà thầy trò huấn luyện viên Đinh Thế Nam làm được, Mai Tiến Thành - huấn luyện viên của đội U.13 thuộc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, chia sẻ một hình ảnh tương tự. 

“Với VPF, mỗi khi cầu thủ ra sân, Ban huấn luyện, cầu thủ đều đứng dậy vỗ tay chúc mừng và động viên - Đó là văn hóa PVF”.

Mỗi câu lạc bộ, mỗi trung tâm cần những nét văn hóa riêng

Văn hóa là một khái niệm rất rộng và đương nhiên có liên quan đến mọi khía cạnh của xã hội. Bóng đá cũng là một nghề và như bao ngành nghề khác, đều đòi hỏi cách hành xử văn hóa. Ở đây, văn hóa tạo nên sự riêng biệt của từng câu lạc bộ, từng trung tâm đào tạo.

Ví như PVF, xếp hàng vỗ tay chúc mừng và động viên là nét văn hóa của họ. Nếu ai bảo văn hóa không làm nên chiến thắng, hãy nhớ rằng, đội U.13 của huấn luyện viên Mai Tiến Thành vô địch Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc Yamaha Cup 2021 vào cuối tháng 12, đội U.19 vô địch giải U.19 quốc gia 2 năm liền. Và như đã biết, đội bóng mà huấn luyện viên Đinh Thế Nam dẫn dắt vừa vô địch giải U.23 Đông Nam Á, dù ông chỉ có một thời gian ngắn làm việc với các cầu thủ.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có những Trung tâm, những câu lạc bộ xây dựng cho mình nét văn hóa bóng đá riêng. Như Hoàng Anh Gia Lai chẳng hạn, ngay từ đầu, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã xác định triết lý bóng đá đẹp và chơi đẹp. Đó là lý do đội bóng phố Núi nhận được sự yêu mến của người hâm mộ từ nhiều nơi trong cả nước, trong khi nhiều câu lạc bộ hầu như chỉ có người hâm mộ thuộc địa phương hay tình cảm của những người con xa xứ.

V.League - giải bóng đá hàng đầu Việt Nam, nhiều năm chưa thoát khỏi biệt danh “Võ-League” bởi nó xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có tính địa phương. Không có sự thay đổi, bóng đá không chỉ tụt hậu về yếu tố chuyên môn.

Văn hóa bóng đá không phải là sự ủy mị, yếu đuối. Ngược lại, đó chính là sức mạnh mềm để xua đi những hình ảnh “tưởng như mạnh mẽ nhưng thực chất lại là biểu hiện của sự bất lực, yếu đuối”. Mỗi câu lạc bộ có nét văn hóa riêng nằm trong tính văn hóa chung của một giải đấu sẽ tạo nên những cầu thủ biết chơi bóng vì thành tích nhưng vẫn giữ được ý thức bảo vệ mình, bảo vệ đồng nghiệp, mang đến nhiều hình ảnh đẹp hơn. Một số ít chưa kéo được xu thế nhưng càng ngày khán giả càng “tinh”, sẽ không có sự thỏa hiệp với thứ bóng đá thiếu văn hóa. Hình ảnh xấu xí giờ đây sẽ bị phản ứng dữ dội. Thế nên, xuất phát từ chính các câu lạc bộ, các trung tâm, đào tạo ra các cầu thủ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn đào tạo cả văn hóa ứng xử, văn hóa nghề nghiệp cũng là đòi hỏi cho tương lai của cả nền bóng đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn