MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mang đến triết lý mới, nhưng cách thực hiện của Huấn luyện viên Troussier không phù hợp với thực tế của bóng đá Việt Nam hiện tại. Ảnh: Minh Dân

Bóng đá Việt Nam, ông Troussier và bài học về sự phù hợp

TAM NGUYÊN LDO | 28/03/2024 13:00

Với Huấn luyện viên Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam cần 1 năm để có cho mình bài học về sự phù hợp.

Giọt nước tràn ly

Sau trận đấu thứ 14 của mình trên cương vị Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Việt Nam, cũng là trận đấu thứ hai tại sân Mỹ Đình, Philippe Troussier nhận quyết định chấm dứt hợp đồng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Một kết thúc không có hậu cho bản hợp đồng thời hạn 3 năm.

Ở thời điểm bắt đầu, không ai muốn điều đó xảy ra. Ngược lại, rất nhiều sự nhìn nhận lạc quan về cái bắt tay với một huấn luyện viên đến từ châu Âu, có CV ấn tượng và có cả sự hiểu biết về bóng đá Việt Nam sau một thời gian làm việc ở đây.

Sự khởi đầu ấy đầy tích cực bằng 3 trận thắng liên tiếp. Nhưng rồi, chuyện trở nên tệ đi khi những thất bại đến liên tiếp. Trận đấu ở Mỹ Đình trước Indonesia là thất bại thứ 10 của Troussier cùng đội tuyển quốc gia (chưa tính các trận cùng đội U23). Và chỉ sau 1 năm ngồi lên chiếc ghế thuyền trưởng, ông đã phải bước xuống. Trong sự thất vọng…

Có thể hiểu cảm giác hả hê của rất nhiều người sau thông tin phát đi từ VFF ngay trong đêm. Nó như một ngọn núi lửa phun trào sau nhiều ngày nín nhịn trong sự ức chế. Tuy nhiên, liệu rằng toàn bộ trách nhiệm có thể đổ hết lên vai ông Troussier? Bóng đá Việt Nam và người hâm mộ có nhìn lại chính mình?

Bài học về sự phù hợp

Không chỉ bản hợp đồng giữa VFF với ông Troussier mà trong bất kỳ hợp đồng hay sự hợp tác nào cũng vậy, mọi điều được đưa ra khi bắt đầu chỉ là lý thuyết.

Hiệu quả của sự vận hành phải chờ thời gian trả lời. Với bóng đá Việt Nam và ông Troussier, mục đích hướng đến là thay đổi triết lý và tư duy chơi bóng để nâng tầm.

“Nâng tầm” được hiểu là chơi bóng một cách chủ động hơn, có kết quả tốt hơn giai đoạn trước đó sau khi đã vào đến vòng loại thứ ba vòng loại World Cup khu vực châu Á.

Tuy vậy, khi cách thể hiện của đội tuyển vẫn còn trục trặc - vì nhiều lý do, sự phản ứng đã sớm xuất hiện. Và khi những lời chỉ trích ngày một tăng, nó khiến huấn luyện viên người Pháp làm việc trong sự ức chế. Câu chuyện dẫn dắt đội tuyển trở thành màn “đối đầu với truyền thông, với người hâm mộ”.

Tất cả cùng chệch hướng, khi các bánh răng không ăn khớp, khi sự phù hợp chưa có sự đồng điệu khi tiến về phía nhau. Yêu cầu đặt ra là các cầu thủ phải nỗ lực thay đổi để đáp ứng với đòi hỏi cao hơn từ lối chơi chủ động. Họ đã làm được chưa? Dĩ nhiên là chưa trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Thay đổi không thể đến trong một thời gian ngắn.

Vậy nên, nhìn ngược lại ông Troussier, ông có thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hay không? Không! Về nguyên tắc làm việc, ông trung thành với triết lý của mình là không sai, nhưng sự cứng nhắc đã tạo nên môi trường không phù hợp. Với kết thúc như đã thấy.

Tiếp theo là gì?

Mất 1 năm (thực ra cũng có thể nói “không mất” mà là được) để bóng đá Việt Nam có thêm bài học về sự phù hợp trong công việc.

Tại sao Velizar Popov có cùng triết lý như ông Troussier nhưng lại thành công ở câu lạc bộ Đông Á Thanh Hoá? Vì ông có cầu thủ ngoại để phù hợp với đòi hỏi về thể hình, thể lực, có cách làm việc tạo ra động lực và được sự ủng hộ từ người hâm mộ. Ông Troussier không có điểm nào trong số đó, dù trình độ thậm chí còn cao hơn.

Bóng đá Việt Nam sẽ quay về với lối chơi của thời trước? Hay tìm một huấn luyện viên khác phù hợp hơn? Như đã nói, sự phù hợp trong những gạch đầu dòng, rốt cuộc, vẫn chỉ là lý thuyết.

Bước ra thực tế sẽ thấy khác và khi đó, tất cả các bên cùng phải tìm cách thích nghi lẫn nhau (dần dần) trước khi tạo ra sự áp đặt chừng nào các điều kiện cần và đủ hoàn toàn đáp ứng được.

Có thể thấy, hợp đồng 3 năm là yếu tố chuẩn bị cho sự thích nghi đó, nhưng chỉ cần 1 năm để thấy điều không tương thích. Không thể đảm bảo thành công khi ký hợp đồng, nên khi mất thời gian để thấy nên chia đôi con đường thì cũng là chuyện bình thường. Sau ngày 26.3, các bên vẫn phải sống cuộc sống của mình, vẫn phải làm việc cần làm, tìm kiếm sự phù hợp mới.

Với một phần người hâm mộ, họ có quyền đòi sa thải huấn luyện viên, nhưng không thể dùng những hình ảnh đáng trách và thiếu sự tôn trọng như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn