MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bóng đá Việt Nam sở hữu những cầu thủ đủ sức ra nước ngoài thi đấu, nhưng để thành công thì việc thực hiện phải có hoạch định rõ ràng. Nguồn: VFF

Bóng đá Việt Nam và chuyện xuất khẩu cầu thủ: Cần nhưng không thể vội

TAM NGUYÊN LDO | 06/01/2022 13:31

“Không vội” nghĩa là đã xác định được hướng đi, chứ không phải chuyện chẳng vội vì nhất định không thay đổi…

Nhu cầu thực tế là có thật…

Như lịch thi đấu sẽ bận rộn trong năm 2022, vấn đề xuất khẩu cầu thủ khiến cho bóng đá Việt Nam sớm nóng lên ngay trong những ngày đầu năm mới. Từ những chia sẻ và lời khuyên của 2 thành viên đội tuyển Thái Lan là huấn luyện viên Mano Polking và đội trưởng Chanathip Songkrasin, nhìn về thực trạng bóng đá Việt Nam, việc cần có những cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài là một nhu cầu rất thực tế. Thậm chí là rất cấp thiết.

Chúng ta vẫn tự hào rằng đang có những đổi thay dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, trong đó có việc lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba của khu vực Châu Á để giành vé đến World Cup. Nhưng thành công đó, về cơ bản, chẳng khác gì câu chuyện quá khứ, khi luôn chỉ mang tính giai đoạn nhất thời.

Các yếu tố kết hợp để tạo thành một nền bóng đá mạnh bao gồm cầu thủ, giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia. 3 yếu tố đó mạnh mới tạo nên nền bóng đá mạnh.

Không khó để nói rằng, 2 trong 3 yếu tố này, bóng đá Việt Nam chưa đáp ứng được. Đó là giải vô địch quốc gia và cầu thủ. Chất lượng cầu thủ tạo nên giải vô địch quốc gia có trình độ cao, tính cạnh tranh và đồng bộ sẽ thúc đẩy cầu thủ phải tự hoàn thiện hơn nữa. Thế nhưng, khi mọi thứ đều có giới hạn, khi chất lượng giải vô địch quốc gia không còn đủ để nâng bước cho cầu thủ phát triển hơn, việc tìm đến những giải đấu là điều hiển nhiên.

Phát triển bản thân là góp phần vào phát triển đội tuyển quốc gia, phát triển nền bóng đá. Cần nhắc lại rằng, khi đội tuyển đã chạm đến ngưỡng vòng loại thứ ba World Cup, hẳn nhiên cần nhiều hơn cầu thủ đạt đến trình độ này, thay vì loanh quanh ở vòng loại thứ hai mà cả những Indonesia, Malaysia cũng đã đạt được từ lâu.

Nhưng không thể vội

Cần phải nói ngay rằng, việc “vội” hay không vội được tính từ thời điểm mà tất cả các bên liên quan của bóng đá Việt Nam cùng chung mục đích, chung ý chí, thống nhất rằng, đã đến lúc đẩy mạnh hơn nữa việc “xuất khẩu” cầu thủ.

Cho đến hiện tại, tư tưởng đó mới chỉ mang tính manh mún, ở một vài câu lạc bộ có những ông Chủ tịch danh tiếng, quan hệ rộng. Vẫn có những đội bóng sợ mất quân, và đương nhiên, còn rất nhiều cầu thủ còn tâm lý e ngại. Ngại từ bỏ môi trường quen thuộc, ngại đến với những điều mới mẻ. Sự tự ti không khác gì các thế hệ đàn anh trước đây mỗi lần đứng trước các tên tuổi lớn của bóng đá châu lục.

Lúc này, câu chuyện xuất ngoại đang rất “nóng”, nhưng với một nền tảng không chắc chắn, một lựa chọn không phù hợp, Quang Hải hay Hoàng Đức hoàn toàn có thể đi vào vết xe đổ của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu. Ra nước ngoài thi đấu khác hoàn toàn với đi để học tập kinh nghiệm, hay tệ hơn là đi trong ý nghĩa mà người hâm mộ rất không muốn thấy - hợp đồng thương mại.

Khi xác định được nhu cầu xuất khẩu cầu thủ là một bước nâng tầm nền bóng đá, cần có chiến lược, hoạch định rất cụ thể, từ ngắn đến dài hạn. Với các ngôi sao đã thành danh, đường đi nước bước phải thế nào, với các cầu thủ trẻ, hướng phát triển là gì. Cần nói rõ rằng, “xuất khẩu” cầu thủ không chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất là các ngôi sao đã thành danh.

Theo dõi bóng đá nước ngoài để thấy rằng, đào tạo, phát triển và bán cầu thủ trẻ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho các câu lạc bộ, để từ đó, bóng đá thực sự vận hành theo một guồng quay mà các mắt xích kết nối, bổ trợ, thúc đẩy, lôi kéo lẫn nhau. Tất cả cùng phải vận hành, không có sự riêng biệt nào cả.

Thất bại của đội tuyển dễ dẫn đến cảm giác nóng vội, muốn thấy cầu thủ ra nước ngoài thi đấu ngay lập tức. Nhưng không cẩn thận, vẫn sẽ chỉ là câu chuyện đơn lẻ, có khi chưa giúp đội tuyển mạnh lên mà còn khiến cầu thủ cùn đi vì ít được thi đấu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn