MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Như thường lệ, các cầu thủ ngoại vẫn “chiếm sóng” trên mặt trận tấn công tại V.League. Ảnh: Minh Dân

Bóng đá Việt Nam và thực trạng về sự phụ thuộc ngoại binh

TAM NGUYÊN LDO | 05/03/2024 09:14

Chuyện bóng đá Việt Nam phụ thuộc vào cầu thủ ngoại không mới, nhưng mức độ ở thời điểm hiện tại đã đến mức báo động.

Thực trạng về sự phụ thuộc

Trong quá trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, việc các giải đấu mở cửa cho việc tuyển mộ ngoại binh là một trong những động thái góp phần thúc đẩy. Không thể phủ nhận những lợi ích mà bóng đá Việt Nam cũng như các câu lạc có được khi sở hữu ngoại binh chất lượng, có sức hút.

Về lý thuyết, mục đích của việc mở cửa với cầu thủ ngoại là nâng cao chất lượng giải đấu, khích lệ sự phát triển đối với cầu thủ nội. Tuy nhiên, theo thời gian, từ lý thuyết đến thực tế đã và đang là sự khác biệt lớn. Tất nhiên, vẫn có một phần cầu thủ nội được thúc đẩy nhưng rõ ràng là không tương xứng. Đến lúc này, hầu hết câu lạc bộ tại V.League đang sống trong sự phụ thuộc cầu thủ ngoại, đặc biệt là trên hàng công.

Minh chứng rõ rệt nhất là nhìn vào danh sách ghi bàn tại Night Wolf V.League 2023-2024. Trong Top 10 cầu thủ ghi bàn tốt nhất (tính đến hết các trận đấu ngày 2.3), chỉ có 2 cầu thủ nội. Trong số 8 cầu thủ ngoại, có 5 người Nam Mỹ (Brazil), 2 người châu Phi (Uganda, Nigeria) và 1 người Bắc Mỹ (Jamaica).

Chân sút tốt nhất hiện tại là Rafaelson của Thép Xanh Nam Định, với 13 bàn. Rimario Gordon của Đông Á Thanh Hóa 8 bàn, Alan Grafite (MerryLand Quy Nhơn Bình Định) và Lucao do Break (Hải Phòng) cùng 6 bàn, Hendrio (Nam Định) và Leo Artur (Bình Định) cùng 5 bàn. Không bất ngờ khi Nam Định đang xếp đầu bảng xếp hạng, Thanh Hóa xếp thứ 4 và Bình Định xếp thứ 5.

Có một chút ngoại lệ ở câu lạc bộ Công an Hà Nội, khi 2 cầu thủ cùng ghi 4 bàn là Nguyễn Quang Hải - tiền vệ và Bùi Hoàng Việt Anh - một trung vệ. Hồ Tấn Tài - hậu vệ cánh, đang có 3 bàn, trong khi 3 cầu thủ ngoại của Công an Hà Nội là Junior Fialho, Jeferson Eias và Geovano Margo lần lượt có 3, 2 và 1 bàn ở V.League 2023-2024.

Hậu quả

Về cơ bản, ở các câu lạc bộ, lâu nay hình mẫu cho chiến thuật là chuyền bóng dài cho cầu thủ ngoại ở tuyến trên xử lý, hoặc họ độc lập tác chiến nhờ thể hình, thể lực. Kết quả là các chân sút của bóng đá nội chỉ đóng vai trò phụ trong lối chơi.

Gần đây, Huấn luyện viên Philippe Troussier đánh giá “bóng đá Việt Nam không có tiền đạo giỏi”. Không ít người giãy nảy vì lời khẳng định đó, nhưng nhìn nhận khách quan trong điều kiện bóng đá Việt Nam đang muốn tiến lên một trình độ cao hơn, điều đó hoàn toàn đúng. Mùa giải gần nhất V.League chứng kiến một cầu thủ nội giành giải Vua phá lưới là năm 2017, khi Nguyễn Anh Đức ghi 17 bàn. Mùa 2021, Văn Toàn dẫn đầu với 7 bàn nhưng giải đấu bị dừng giữa chừng vì COVID-19.

Mặc dù trước giai đoạn ông Troussier dẫn dắt đội tuyển quốc gia, Đội tuyển Việt Nam có những thành tích nhất định cùng Huấn luyện viên Park Hang-seo nhưng chủ yếu nhờ chiến thuật hợp với cầu thủ Việt Nam là phòng ngự - phản công. Còn hiện tại, khi cần phải chuyển mình để hướng đến lối chơi mới, trình độ mới, đội tuyển lập tức gặp khó khăn.

Tất nhiên, không phải tất cả cầu thủ nội đều đánh mất sự ảnh hưởng ở đội bóng, nhưng trên mặt bằng chung, áp lực thành tích buộc các câu lạc bộ phải xây dựng lối chơi cầu thủ nội phục vụ đồng đội ngoại binh. Do vậy, cần nhiều hơn động thái thay đổi, nếu không muốn đi vào vết xe đổ mà bóng đá Anh từng trải qua…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn