MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huấn luyện viên Philippe Troussier muốn các cầu thủ khôn ngoan hơn khi chơi bóng. Ảnh: Minh Dân

Bóng đá Việt Nam với yếu tố cần cù và thông minh

TAM NGUYÊN LDO | 21/06/2023 09:01

Với bóng đá Việt Nam và đội tuyển quốc gia trong giai đoạn này, sự nâng tầm được đặt vào khía cạnh tư duy…

10 km của Quang Hải

Có một thống kê được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây là việc Quang Hải thi đấu trọn vẹn 90 phút trận gặp tuyển Hong Kong (Trung Quốc) và di chuyển quãng đường 10 km. Chỉ số này khá thường thấy ở các cầu thủ tại châu Âu, trong khi với bóng đá châu Á, quãng đường đó không nhiều cầu thủ có thể đạt được.

Quang Hải có 1 năm tập luyện (nhiều hơn), thi đấu ở châu Âu nên hẳn thể trạng của anh cũng có sự thay đổi để đáp ứng được đòi hỏi về sự vận động cường độ cao trong 90 phút. Làm phép so sánh, trong khi Hoàng Đức chấn thương thì Tuấn Anh được rút ra sau hơn 1 giờ thi đấu.

Tại sao câu chuyện thể lực và quãng đường di chuyển của một cầu thủ lại được nhắc đến ở đây? Bởi điều đó thực sự quan trọng với kết quả, thành tích của tập thể. Bóng đá hiện đại ngày càng đòi hỏi cao hơn về thể lực, buộc các cầu thủ phải nỗ lực rèn luyện hơn về sức bền lẫn khả năng chịu đựng, va đập.

Người ta vẫn nói, chưa cần đề cập đến kĩ thuật, với sức mạnh thể hình, thể lực, đội bóng đã có ít nhất cho mình một lợi thế trước đối thủ. Vậy phải chăng, bóng đá đang thu hẹp dần cơ hội cho những cầu thủ nhỏ bé? Hoàn toàn không!

Nếu bỏ qua Lionel Messi “đến từ hành tinh khác”, người hâm mộ bóng đá không thể không biết những Diego Maradona, Gianfranco Zola, Santi Cazorla trước đây, Xhedran Shaqiri, Marco Verratti hay Bernardo Silva… hiện tại. Họ nhỏ bé nhưng thể lực lại vô cùng tốt, để cùng kĩ năng của mình, trở nên nổi bật.

Vấn đề đặt ra là, nếu điều kiện thể lực chưa ở mức tương xứng với kĩ thuật thì sao? Khi đó, chơi bóng cần đến sự tư duy.

“Cần cù bù thông minh” có còn phù hợp?

Người xưa có câu “Cần cù bù thông minh”, với đại ý rằng, khi yếu tố thông minh chưa bằng người khác thì việc cần cù, chăm chỉ, kiên nhẫn cũng là con đường dẫn đến thành công. Tuy nhiên, đó chỉ là trên phương diện cá nhân. Còn ở khía cạnh tập thể, sẽ phải là sự kết hợp, cả cần cù lẫn thông minh.

Có thể hình dung rằng, với một đội bóng mà đa phần cầu thủ di chuyển quãng đường tương đương như Quang Hải (tất nhiên là trừ vị trí thủ môn), cách thể hiện và lối chơi sẽ rất khác. Ở đội tuyển Việt Nam lúc này, cảm giác về quyết tâm trong sự cần cù có thể được thấy ở khá nhiều cầu thủ. Điều đó tốt để phục vụ yêu cầu từ huấn luyện viên Philippe Troussier là di chuyển nhiều. Nhưng vẫn là chưa đủ.

Cần cù và cố gắng để làm gì khi chỉ có một mình lao lên nhằm gây sức ép với đối thủ quân số đông hơn? Cần cù chạy nhiều làm gì nếu việc phối hợp với nhau không dẫn đến bước ngoặt cho mình, hoặc cho đồng đội, ở thời điểm quyết định? Lúc này, cách chơi bóng cần đến tư duy, sự thông minh.

Tư duy trong việc đánh giá đối thủ, tư duy trong việc chọn lúc nào bung sức, lúc nào cầm bóng giữ nhịp, lúc nào ban chuyền nhanh, di chuyển vào đâu, lúc nào, để hỗ trợ nhau… Tư duy trong cả việc “nhìn nhau” nữa, bởi tập luyện, thi đấu cùng nhau nhiều, họ phải biết, phải hiểu cả cách nghĩ, cách hành động của đồng đội.

Họp báo trước trận gặp Syria, huấn luyện viên Troussier nói, ông muốn cầu thủ thi đấu “khôn ngoan và khéo léo hơn”, “chắt chiu hơn ở tình huống mở”, “tự thúc đẩy bản thân về cá nhân lẫn tập thể”. Rõ ràng, với những đòi hỏi trong tình hình mới, thay đổi trong tư duy cũng chính là mở ra cơ hội.

Bóng đá hiện đại không phân định chuyện cầu thủ khỏe di chuyển nhiều và cầu thủ sáng tạo chạy ít. Thay vào đó, trên nền sự cần cù là yếu tố thông minh, mỗi cá nhân cần có sự kết hợp của 2 yếu tố và hiện thực hóa trên sân theo cách của mình. Việc của huấn luyện viên là sắp xếp những người hiểu nhau nhất, qua đó đem lại giá trị lớn nhất cho tập thể.

Và đương nhiên, nó cần một hành trình dài…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn