MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh khán giả đông kín tại giải Ngoại hạng - Cúp Bia Saigon Special 2017. Ảnh: H.A

Bóng đá Việt: Nhìn thẳng thực trạng để tìm giải pháp

TỨ DIỆN LDO | 25/12/2017 15:30

Gần đây có nhiều hội thảo về bóng đá Việt Nam (BĐVN) nhằm đánh giá, tìm hướng đi để BĐVN phát triển, giành được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Với mong muốn đóng góp ý kiến để BĐVN phát triển không làm người hâm mộ ngày thêm thất vọng, trước thềm năm mới, một chuyên gia có thời gian dài nghiên cứu bóng đá Việt Nam chia sẻ với Báo Lao Động suy nghĩ của riêng ông.

Kỳ 1: Thực trạng phải được đánh giá đúng thực chất

Cần đánh giá thực trạng nền bóng đá Việt Nam một cách thực chất từ bóng đá phong trào, bóng đá học đường, bóng đá trẻ, các giải bóng đá từ hạng thấp đến chuyên nghiệp, ĐTQG.

Bóng đá phong trào: Vẫn tự phát

Bóng đá phong trào nhiều năm qua vẫn phát triển nhưng hoàn toàn tự phát, chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ hay định hướng từ cơ quan quản lý thể thao của Nhà nước là Tổng cục TDTT hay Liên đoàn BĐVN (VFF). Trên thực tế, hai cơ quan này đều không làm gì cho bóng đá phong trào, nếu còn tiếp tục bao biện mà không nhận sai thì bóng đá phong trào không phát triển kịp theo sự phát triển và đòi hỏi của xã hội.

Bóng đá phong trào rất thiếu lực lượng trọng tài, HLV. Những năm gần đây tại Hà Nội đang phát triển một số trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tập hợp được một số HLV vốn là cầu thủ chuyên nghiệp rất đáng để nghiên cứu và phát triển. Nhu cầu thực tế cao hơn rất nhiều và cấp thiết cần đào tạo gấp một lượng lớn về trọng tài, HLV để phục vụ cho bóng đá phong trào.

Vấn đề sân bãi, HLV, trọng tài cần phải được giải quyết ưu tiên cho phong trào để đáp ứng cho việc tập luyện, giải trí cho đông đảo người dân. Đây là nền móng cho mọi sự phát triển bóng đá. VFF cần nhanh chóng tổ chức xã hội hoá việc đào tạo HLV và trọng tài theo các tiêu chí của VFF, còn xã hội tự vận động kinh phí để thực hiện. Trên thực tế, việc xã hội hoá hoàn toàn không khó.

Bóng đá học đường: Thiếu kinh phí, người tổ chức

Bóng đá học đường trong các trường đại học và cao đẳng được đông đảo sinh viên ủng hộ tham gia do các đoàn thể trong nhà trường tổ chức khá tốt. Còn trong các cấp học từ tiểu học đến trung học chưa được tổ chức tốt, chủ yếu do thiếu kinh phí và người tổ chức, trong khi ở lứa tuổi này chính là thời điểm để tìm kiếm tài năng.

Do đó VFF, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các CLB cần hỗ trợ về chuyên môn cho các trường học và động viên phụ huynh học sinh đóng góp kinh phí cho nhà trường có điều kiện cho các cháu được chơi bóng đá - niềm đam mê của đa phần cháu nhỏ. Phụ huynh không tiếc tiền nếu nhà trường tổ chức tốt cho con em tập luyện, vui chơi với bóng đá. Sẽ rất tốt nếu các CLB chọn một số trường học để liên kết hỗ trợ đào tạo, thúc đẩy động lực tập luyện và niềm say mê với bóng đá cho các cháu.

VFF, VPF cần đưa ra các động viên khuyến khích các nhà trường, địa phương có phong trào bóng đá học đường tốt. Cần rất nhiều các nỗ lực của nhà trường, các thầy cô, phụ huynh và của những người có trách nhiệm để đem lại niềm vui cho các cháu. Tuổi thơ của các cháu sẽ tốt hơn rất nhiều nếu số đông các cháu có được điều kiện chơi thể thao, trong đó có bóng đá.

Điều đáng nói là các giải bóng đá học đường, bóng đá phủi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng là không có sự dối trá gian lận, mặc dù cũng chưa chính xác tuyệt đối. Điều cần giáo dục cho các cháu ngay từ khi rất nhỏ là tinh thần fair-play, đừng học cái xấu của người lớn khi gian lận tuổi và chơi bẩn trong bóng đá.

Nền tảng của bóng đá bắt đầu từ bóng đá phong trào, bóng đá học đường vì bóng đá là để phục vụ nhu cầu tập luyện của đông đảo người dân, trước khi nói đến bóng đá chuyên nghiệp hay ĐTQG.

“Đại nạn” gian lận tuổi

Gần đây bóng đá trẻ Việt Nam có nhiều tiến bộ, đó là điều không thể phủ nhận, song đừng quên trong quá khứ và hiện tại vì sao nhiều cầu thủ trẻ thi đấu rất tốt nhưng không phát triển được.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nạn gian lận tuổi là nguyên nhân chính làm méo mó đánh giá tài năng thực của cầu thủ. Ai cũng biết nếu hơn nhau vài tuổi thì hoàn toàn khác nhau về năng lực nhưng năm này qua năm khác chưa bao giờ giải trẻ không có vấn nạn phải xem là “đại nạn” này.

Việc tham gia của các trung tâm đào tạo trẻ như của HAGL, VPF sẽ là hình mẫu thúc đẩy việc trung thực ngay từ khâu tuyển chọn ban đầu của cả nền BĐVN. Cả nước cần rất nhiều trung tâm đào tạo trẻ theo mô hình quốc tế vì cách đào tạo dựa vào ngân sách Nhà nước như trước đây có rất nhiều hạn chế, tiêu cực.

Phải thừa nhận một thực tế đào tạo trẻ rất khó cần rất nhiều nguồn lực từ tiền bạc đến công sức và sự nhẫn nại. Vì vậy, VFF đừng hy vọng mình tự làm được hay chờ đợi người khác làm hộ mình mà cần có cách nhìn khác về đào tạo trẻ và bóng đá trẻ.

FIFA quy định cụ thể về trách nhiệm đào tạo trẻ của CLB, VFF biết rõ các quy định này nhưng thực hiện không nghiêm túc và đổ lỗi cho các CLB, không khác gì tự gây khó cho mình và rồi lại “la làng”.

Để bóng đá trẻ phát triển có một số việc bắt buộc phải làm. Đó là trung thực trong việc tuyển chọn để có được các cháu có tài năng xứng đáng được đào tạo; Bắt buộc CLB muốn tham gia bóng đá chuyên nghiệp phải đảm bảo công tác đào tạo trẻ; Động viên nguồn lực xã hội để có được nhiều trung tâm đào tạo trẻ chất lượng; Xây dựng các giải đấu trẻ trung thực...

Vẫn còn doanh nghiệp dùng bóng đá để trục lợi

Việc hình thành công ty VPF để điều hành, tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã trở nên vô nghĩa khi các mục tiêu cơ bản của những người sáng lập công ty này đã không được thực hiện.

Mục tiêu đầu tiên là tổ chức giải trung thực đã bị vứt đi khi có đến 4 CLB phụ thuộc một ông chủ. Điều mà ai cũng biết là các CLB Hà Nội, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn đều bị chi phối hay có liên quan, chịu ảnh hưởng của một ông chủ. Có thể vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan và cả “yếu tố lịch sử để lại” nên người trong cuộc không đủ dũng khí để thừa nhận nhưng những người có trách nhiệm còn hèn nhát hơn khi không dám loại bỏ các CLB này ra khỏi giải đấu. Sự dung túng này làm hỏng cả một giai đoạn của BĐVN, ảnh hưởng nặng nề đến nền bóng đá.

Các cá nhân có trách nhiệm đừng lảng tránh nữa, BĐVN, NHM Việt Nam chịu đựng quá nhiều rồi. Sự lãng phí tiền, rất nhiều tiền của xã hội, mất rất nhiều niềm tin của người dân...

Đồng tình với một số ý kiến nói bóng đá bị lợi dụng vì mục đích cá nhân của một số người. Tôi có thể nói rõ ai và họ đã lợi dụng như thế nào, nhưng trong góp ý này điều đó không phải là điều đáng quan tâm.

Gốc của một giải đấu là các CLB và nhiều CLB chuyên nghiệp ở Việt Nam đang có không ít vấn đề cần xem xét. Ngoại trừ HAGL có đầy đủ yếu tố của một CLB chuyên nghiệp, còn lại hầu hết CLB đều thiếu nhiều yếu tố để thành CLB chuyên nghiệp.

Tuy nhiên không có nghĩa là không thể làm được, các CLB hiện nay cần mạnh dạn có các quyết định để đi đúng con đường của bóng đá chuyên nghiệp. Xã hội cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đầu tư vào bóng đá. Tôi tin rằng có thể tìm được 15 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đầu tư cho bóng đá. Để các doanh nghiệp lớn này cùng nhau đầu tư cho bóng đá - cần người có khả năng thuyết phục và tạo sự đồng lòng để các doanh nghiệp này chung tay làm bóng đá. Vì chỉ khi các doanh nghiệp mạnh thực chất tham gia thì bóng đá chuyên nghiệp mới có thể phát triển.

VFF, VPF phải chấp nhận sự thật có bao nhiêu CLB đủ tiêu chuẩn thì tổ chức giải bấy nhiêu CLB, đừng chạy theo số lượng. Bóng đá không thể quay lại thời bao cấp vì xã hội hiện nay đã phát triển rất nhiều và không chấp nhận những gì trái quy luật.

Mặc dù không được hỗ trợ và quan tâm đúng mức của người và cơ quan có trách nhiệm nhưng nhiều nơi vẫn tổ chức được các giải phong trào rất tốt dù mang tên bóng đá “phủi” như tại Hà Nội, TPHCM, Vinh... Để bóng đá phong trào phát triển hơn cần sự can thiệp của Nhà nước khi quy hoạch xây dựng phải dành đất xây sân bóng đá như là một nhiệm vụ quy hoạch. Nếu thiếu diện tích dành cho thể thao, nhất là bóng đá thì mãi mãi bóng đá không phát triển được. Trường học, bệnh viện được đưa vào quy hoạch như nhiệm vụ bắt buộc thì đất cho thể thao cũng cần được xem xét như vậy. Cơ quan quản lý thể thao cần coi việc bảo đảm diện tích đất cho thể thao như một nhiệm vụ chính của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn