MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi làm rạng danh cho boxing Việt Nam khi đoạt đai WBO thế giới, hạng cân minimum. Ảnh: Cocky Buffalo

Boxing Việt Nam và triển vọng với con đường chuyên nghiệp

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 30/01/2022 10:53

Trong 1 năm thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch COVID-19, chức vô địch WBO thế giới của võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi là một trong những điểm sáng, khẳng định bước tiến vững chắc của boxing Việt Nam.

10 năm vươn tầm, phát triển mạnh mẽ của boxing Việt Nam

Ở trận chung kết hạng minimum của nữ hôm 23.10.2021 tại Nhà thi đấu Wadong (Hàn Quốc), Nguyễn Thị Thu Nhi đã thắng bằng tính điểm trước tay đấm đang giữ đai vô địch Etsuko Tada (Nhật Bản). Cả 3 trọng tài đều chấm điểm cho Thu Nhi cao hơn. Cô trở thành võ sĩ boxing đầu tiên của Việt Nam đoạt đai WBO thế giới, khẳng định bước tiến mạnh mẽ, vững chắc của các võ sĩ Việt Nam, để chinh phục những sàn đấu lớn nhất thế giới. Trước đó, Thu Nhi đã đoạt đai vô địch Châu Á - Thái Bình Dương.

Nguyễn Thị Thu Nhi tiếp nối thành tích của những thế hệ đàn anh, đàn chị làm rạng danh boxing Việt Nam ở sàn đấu chuyên nghiệp. Trước đó, Trần Văn Thảo đã đoạt đai vô địch WBC Châu Á năm 2017 ở hạng flyweight. Cùng năm đó, Trần Văn Thảo đoạt danh hiệu võ sĩ danh dự Châu Á. Trong năm 2019 và 2020, Trương Đình Hoàng, đã đoạt đai vô địch WBA Đông Á (năm 2019) và WBA Châu Á (năm 2020) ở hạng middleweight.

Có thể nói trong 10 năm qua, boxing Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc cả về chất và lượng, với định hướng đúng đắn từ Bộ môn boxing trực thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam và sự chung tay của các nguồn lực xã hội hóa khi Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) chính thức được thành lập năm 2015. Hai năm sau đó, đến lượt Liên đoàn Boxing TPHCM (HBF) ra đời. Đây là những cột mốc quan trọng giúp boxing Việt Nam từng bước đi vào quy củ, nền nếp và thực sự hòa mình với các giải đấu chuyên nghiệp của Châu Á, thế giới.

Trở lại từ con số... 0

Boxing là 1 trong những môn thể thao được du nhập sớm nhất vào Việt Nam. Từ thập niên 20 của thế kỷ trước, các sới đài đã được mọc lên và liên tục có những trận thượng đài ở khắp mọi miền. Khi thể thao Việt Nam bắt đầu hội nhập trở lại với thế giới, môn thể thao này cũng lĩnh ấn tiên phong.

Tại Olympic Seoul 1988, hai võ sĩ Đỗ Tiến Tuấn và Đặng Hiếu Hiền đã đại diện cho Việt Nam dự sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Trong đó, Đặng Hiếu Hiền đã có chiến thắng lịch sử trước một tay đấm Tây Ban Nha ở vòng 1, trước khi thua 1 tay đấm của Mỹ - cường quốc của môn này ở vòng 2. Một năm sau đó, Tạ Quang giành tấm Huy chương Đồng cho boxing Việt Nam tại SEA Games.

Là một trong những môn có bề dày lịch sử, nền tảng tốt, boxing Việt Nam có sức hút không kém bóng đá. Tuy nhiên vào năm 1994, sự cố ẩu đả tại Giải vô địch quốc gia ở Hải Phòng đã khiến môn thể thao này nhận “án tử”. Ngành thể thao quyết định cấm toàn bộ hoạt động của môn này. Hình ảnh những võ sĩ lao vào ẩu đả, khán giả, trọng tài bị tấn công khiến hình ảnh boxing trở nên xấu xí, tạo ác cảm với nhiều người… Mãi đến năm 2002, Nhà nước mới gỡ bỏ lệnh cấm để boxing được hoạt động trở lại.

Sau 9 năm làm lại từ con số 0, quyền Anh Việt Nam mới lại tìm được vinh quang ở khu vực với tấm Huy chương Vàng SEA Games của Lương Văn Toản (2011). Đến SEA Games 2013, Lừu Thị Duyên và Hà Thị Linh đoạt tiếp 2 HCV trên đất Myanmar. Và ở SEA Games 2015 tại Singapore, quyền Anh Việt Nam thực sự gây tiếng vang với 3 tấm Huy chương Vàng của Lê Thị Bằng, Nguyễn Thị Yến và Trương Đình Hoàng.

Ngoài các trung tâm đào tạo của Nhà nước, hàng loạt lò võ tư nhân ra đời đã biến boxing thành môn thể thao thời thượng, được giới trẻ yêu thích lựa chọn. Đặc biệt tại TPHCM, các lò boxing, MMA (võ tự do mọc lên như nấm). Đây cũng là những nơi đã làm bệ bóng nâng tầm các võ sĩ boxing chuyên nghiệp Việt Nam như Saigon Sports Club (Trương Đình Hoàng), Trigger boxing (Trần Văn Thảo), VSP (Nguyễn Văn Đương)… Đặc biệt lò Cocky Buffalo còn được biết đến với tâm huyết của ông bầu người Hàn Quốc Kim Sang-bum, để nâng bước Nguyễn Thị Thu Nhi, Sẳm Minh Phát và Đinh Hồng Quân. Theo thống kê, tại TPHCM, hơn 3.000 người tập boxing thường xuyên, hơn 50 câu lạc bộ là Hội viên của HBF… Đây là nền tảng tốt để môn thể thao lan tỏa sâu rộng, hơn nữa trong tương lai.

Ưu điểm của các lò võ tư nhân là cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị tập luyện đầy đủ, có các huấn luyện viên giỏi cả ở nước ngoài dẫn dắt, có quân xanh chất lượng, sẵn sàng đi tập huấn ở nước ngoài nên tiến bộ rất nhanh. Ngoài ra, các đơn vị này có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận động viên về mặt Nhà nước, giúp họ cân bằng về mặt lợi ích giữa các bên.

Boxing phải là một nghề kiếm tiền được

Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng bộ môn boxing - kickboxing của Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết trong tương lai boxing Việt Nam sẽ chuyên nghiệp hóa mạnh mẽ, trở thành một “nghề” hấp dẫn để các vận động viên kiếm được tiền. Ông nhấn mạnh, thời gian tới Liên đoàn boxing Việt Nam sẽ lập ra Ban chuyên nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp, nhà tài trợ để đầu tư cho boxing, tạo điều kiện tốt nhất cho các tay đấm phát triển chuyên môn.

Trao đổi với Lao Động, ông Thịnh phân tích: “Với các doanh nghiệp, đã đầu tư vào việc việc gì họ phải tính đến phần thu lại. Như trường hợp của Thu Nhi, ông bầu Kim Sang-bum và Cocky Buffalo đã đầu tư rất nhiều để em ấy thi đấu các trận tranh đai Châu Á, thế giới. Trong đó, họ và Thu Nhi đã ký kết để phân chia lợi nhuận, theo tỉ lệ nhất định. Điều đó tốt cho họ và cả Thu Nhi”.

Người đứng đầu Bộ môn boxing của Tổng cục TDTT nhấn mạnh điều quan trọng nhất là định hướng cho các vận động viên xem boxing là một nghề kiếm được tiền. Ông nói: “Khi thi đấu nghiệp dư, vận động viên chỉ có tiền công, tiền lương. Đoạt huy chương như SEA Games thì có tiền thưởng nhưng không đáng kể. Nhưng khi đã đấu chuyên nghiệp, boxing sẽ là nghề để họ kiếm tiền. Họ sẽ tự có ý thức để giữ gìn bản thân, tập luyện. Như Trần Văn Thảo hay Trương Đình Hoàng, khi đã chuyên tâm theo chuyên nghiệp, họ luôn có ý thức tuyệt vời, không cần ai phải nhắc nhở”. Doanh nhân Nguyễn Đức An Sơn - Chủ tịch Liên đoàn boxing TPHCM (HBF) nhấn mạnh hình ảnh của môn thể thao này đã có nhiều thay đổi ở cả thế giới và tại Việt Nam. “Boxing đang là môn thể thao thời thượng, những trận đánh của Manny Pacquiao hay Mayweather có trị giá đến hàng trăm triệu USD, được toàn người nổi tiếng chăm chú theo dõi. Boxing không còn gắn với hình ảnh máu me, bạo lực mà mang tính tinh thần thể thao cao thượng. Nó giúp một phần cho việc giáo dục cộng đồng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn