MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Chiến dịch giải cứu” Ole Solskjaer, Mikel Arteta và Frank Lampard đang tạo ra câu chuyện thú vị ở Premier League. Ảnh: Premier League

Bức “biếm họa” và chuyện các huấn luyện viên trẻ ở Premier League

TAM NGUYÊN LDO | 07/01/2021 10:00
Premier League đang chứng kiến câu chuyện “cười ra nước mắt” với các huấn luyện viên trẻ, rất đáng suy ngẫm.

Ai là huấn luyện viên trẻ?

Trong số 20 huấn luyện viên của 20 câu lạc bộ tại Premier League mùa giải 2020-2021, có 8 người được gọi là “huấn luyện viên trẻ”, khi dựa trên tuổi đời dưới 50. Tuy nhiên, nếu dựa trên tuổi nghề thì phần lớn trong số họ lại không thuộc diện “trẻ” nữa. Sean Dyche, Dean Smith cùng 49 tuổi, cùng bắt đầu nghiệp huấn luyện viên từ năm 2011, cùng thời điểm với Graham Potter (45 tuổi). Trong khi đó, Nuno Espirito Santo 46 tuổi nhưng đã đứng trong khu vực kỹ thuật từ năm 2012.

3 người thực sự trẻ cả tuổi đời, tuổi nghề là Mikel Arteta (38 tuổi), chính thức làm huấn luyện viên từ 2019, Scott Parker (40 tuổi) cũng chính thức từ 2019 và Frank Lampard (42 tuổi) khởi nghiệp từ 2018. Tuy vậy, cũng như Dyche, Smith, Potter, Santo chưa bao giờ huấn luyện các đội bóng lớn, Parker cũng chỉ bắt đầu từ một câu lạc bộ tầm trung bình yếu như Fulham nên không nằm trong diện đánh giá.

Còn một nhân tố nữa là Ole Gunnar Solskjaer, người thuộc diện trẻ tuổi (47) nhưng tuổi nghề cũng đã khá dày dạn, khi bắt đầu từ năm 2011. Nhưng nếu như giai đoạn với Molde và Cardiff được ví như “học việc” thì khi đến Manchester United năm 2018 mới có thể coi là thời điểm chính thức bắt đầu cho Solsa.

Lampard có bước đệm là Derby County trước khi đến Chelsea, còn Arteta học hỏi từ Pep Guardiola tại Manchester City trước lúc “đi một mình” ở Arsenal. Do đó, trên khía cạnh “trẻ”, Solskjaer, Arteta và Lampard nằm trong diện bị… soi nhiều nhất. Ở họ, trên hành trình đã qua của từng người, đều có điểm giống nhau là sự khởi đầu khá ấn tượng. Với Solsa là giai đoạn tạm quyền cùng khá nhiều kỷ lục, với Arteta là 2 danh hiệu trong 8 tháng, với Lampard là giúp Derby giành suất đá play-off và đưa Chelsea trở lại Champions League ở mùa giải không được mua cầu thủ.

Cuộc “chạy tiếp sức giải cứu”

Nhưng sau đó, họ rơi vào tình thế khó khăn, để rồi, sự kết nối của cả 3 đang tạo ra một bức biếm họa về cuộc chạy đua tiếp sức mang tên “Giải cứu”. Sự “giải cứu” mang ý nghĩa mỉa mai, châm chọc, cứu lấy “kho điểm” của Premier League.

Bắt đầu từ Solskjaer, khi Man United trải qua giai đoạn khốn khổ tìm chiến thắng, bất ổn về phong độ và xen giữa là thảm bại 1-6 trước Tottenham. Khi huấn luyện viên người Na Uy đứng trước nguy cơ sa thải, mạng xã hội chế ảnh “Cứu Ole” (Save Ole) để giữ lấy kho điểm cho Premier League.

Với Arteta, tiếp nối mùa trước, Arsenal của ông khởi đầu mùa 2020-2021 khá tốt nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ cuối tháng 9. The Gunners chỉ thắng 2 trong 12 trận tại Premier League và chìm xuống tận thứ 15. Thêm một lần nữa, vẫn những hình ảnh “giải cứu”, nhưng tên của Ole được thay bằng Arteta.

Cho đến những vòng đấu gần đây, Arteta được thay bằng Lampard, khi Chelsea loạng choạng với chỉ 1 trận thắng trong 6 trận gần nhất.

Trùng hợp hay “truyền dây đen” là có thật?

Và trùng hợp làm sao, theo đúng nghĩa đen của “chạy tiếp sức”, Solsa thoát hiểm kể từ trận thua Arsenal 0-1 ngày 1.11. Kể từ đó, Man United bất bại 10 trận (thắng 8, hòa 2) và hiện đang có cơ hội chiếm ngôi đầu bảng từ tay Liverpool. Rồi Arsenal “thoát nghèo” kể từ trận thắng Chelsea hôm 27.12 để đang có 3 trận thắng liên tiếp - điều họ chưa từng làm được ở mùa giải này, và dần leo lên thứ 11. Cuối cùng, kể từ trận thua Arsenal, Chelsea đang có 3 trận liên tiếp không thắng và đã rơi xuống thứ 8, hơn đối thủ cùng thành phố có 3 bậc và 3 điểm.

“Câu thần chú” đã linh nghiệm với Solskjaer và Arteta khi Ban lãnh đạo vẫn đặt niềm tin vào họ, để lúc này, sự tích cực đang tới. Nhưng để có yếu tố tích cực đó, Solsa cùng Arteta phải có những sự biến chuyển tự thân về tư duy chiến thuật, cách dùng người.

Với Lampard, trước mắt ông chủ Roman Abramovich vẫn dành cho ông thời gian để sửa sai. LiệuLampard có phải chờ đến khi đụng độ một đối thủ mạnh (như Leicester City) vào ngày 20.1 tới để Brendan Rodgers là người “tiếp sức” cho câu chuyện của các huấn luyện viên?

Làm việc ở đội bóng lớn không bao giờ thoát khỏi sức ép, đó là điều chắc chắn. Nên yếu tố quan trọng với huấn luyện viên là thời gian, sự tin tưởng, bản lĩnh và dám nhìn vào sự thật để đổi thay. Solskjaer cần 2 năm mới có được cảm giác như ngày hôm nay, Arteta đang sống trong những ngày nhẹ nhõm nhất ở mùa giải 2020-21, còn Lampard thì có lẽ đến một lúc nào đó cũng như vậy, nếu ông sớm thay đổi cách sử dụng nhân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn