MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Verywell Health

Cách xử lý chấn thương gặp phải khi chơi bóng đá phong trào

TAM NGUYÊN LDO | 21/10/2021 13:58

Không đến mức như bóng đá chuyên nghiệp nhưng chấn thương là điều khó tránh khỏi với những người chơi bóng đá phong trào.

Bóng đá được xếp vào các môn thể thao đối kháng gián tiếp, do đó, việc chuẩn bị các đồ bảo vệ hay thực hiện quy trình khởi động cũng chỉ để hạn chế và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng chứ không thể giúp bạn tránh được hoàn toàn việc bị chấn thương. Và khi đã chấn thương, việc xử lý thế nào cho phù hợp cũng cần đến kiến thức, kinh nghiệm mà không phải ai cũng biết.

Việc xảy ra chấn thương trong bóng đá cũng rất đa dạng, với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì xây xước chân, tay, nặng hơn thì bong gân, căng cơ, thêm mức độ thì rạn hoặc gãy xương, thậm chí là đứt dây chằng.

Với những vết thương hở thì cũng tùy thuộc mức độ mà có thể chỉ cần làm sạch vị trí đó rồi tự lành, hoặc cần đến các loại thuốc xịt phủ để làm khô vết thương, tránh nhiễm trùng, các loại băng dán để tránh khó chịu khi chạm vào quần áo, dẫn đến lâu lành.

Trong các loại chấn thương khi chơi bóng đá, bong gân và đau cơ là phổ biến. Bong gân là một dạng chấn thương dây chằng – phần mô nối 2 hoặc nhiều xương tại một khớp, khiến cho một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách. Có thể xảy ra ở mắt cá chân, đầu gối.

Theo cách gọi của “bóng đá phủi”, những tình huống lật cổ chân dễ dẫn đến bong gân. Việc xử lý ngay trên sân sẽ rất quan trọng với việc phục hồi. Ngay sau chấn thương, việc dùng túi đá để chườm sẽ hạn chế việc sưng to ở chỗ đau. Tuyệt đối không nên cố trở lại sân thi đấu sau khi có cảm giác vết đau dịu đi vì được chườm đá.

Việc chườm đá nên được duy trì trong ít nhất 48 giờ tiếp theo, nhưng lưu ý không chườm liên tục mà cần cách nhau khoảng thời gian nhất định, tùy theo mức độ đau.

Nên chườm đá sau khi bị lật cổ chân để hạn chế sưng. Ảnh minh họa

Sử dụng băng thun để quấn quanh vùng đau (không quá chặt), hạn chế tối đa vận động và kê cao vùng chân hoặc tay bị chấn thương cũng là yêu cầu để giảm sưng.

Chấn thương cơ là khi bắp thịt hoặc dây gân bị kéo giãn, bị rách khi vận động đột ngột hoặc quá mạnh. Chấn thương cơ có thể sẽ lâu hồi phục hơn, nhưng với việc xác định mức độ nặng, nhẹ là không dễ. Cách tốt nhất là cần có sự kiểm tra của bác sĩ chuyên môn để có hướng điều trị.

Các thủ môn thường dễ xảy ra chấn thương ở ngón tay nếu không có găng tay đảm bảo chất lượng. Với các thủ môn thì không nên để móng tay dài, đảm bảo găng tay được ôm tay nhất có thể, lực tay nắm cũng mạnh hơn.

Nếu chấn thương khớp ngón tay thì việc chườm đá cũng cần thiết. Không bôi các loại dầu nóng.

Với những chấn thương nặng hơn như rạn, gãy xương, rách sụn chêm hoặc dây chằng đầu gối, phải dừng ngay việc thi đấu và tìm cách di chuyển tới bệnh viện, các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, xử lý.

Chơi bóng đá, hoạt động thể thao mang lại sức khỏe nhưng cố gắng lượng sức, xác định tinh thần giao lưu để tránh chấn thương và hậu quả đáng tiếc.

Mời độc giả quan tâm đến bóng đá phong trào có thể tham khảo thêm thông tin TẠI ĐÂY.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn