MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cái tên trên lưng áo

LÊ VINH LDO | 09/05/2022 12:12
Câu chuyện cái tên trên lưng áo vận động viên có thể rất nhỏ, nhưng cũng lại rất to nếu nói về tính chuyên nghiệp.

SEA Games 31 chưa khai mạc nhưng đã có các môn thể thao sớm khởi tranh là Bóng đá, Bóng ném bãi biển và chiều qua (8.5) môn Nhảy cầu cũng bước vào tranh tài, thậm chí là có huy chương ngay ngày thi đấu đầu tiên.

Sau lượt trận ra quân ở 2 bảng đấu môn Bóng đá nam, có thể thấy, 3 đội bóng mạnh là U.23 Việt Nam, U.23 Thái Lan, U.23 Malaysia, U.23 Singapore đều chỉ in số, không in tên cầu thủ trên lưng áo. Các đội còn lại đều in tên và số đầy đủ. Tại sao lại có sự không đồng nhất đó, hẳn nhiều người nhận thấy và đặt dấu hỏi. Về mặt nguyên tắc, khi bước vào vòng chung kết hoặc giải đấu chính thức, danh sách cầu thủ được chốt nên các đội phải in cả số và tên cầu thủ, nhưng tại sao ở SEA Games năm nay thì không? Để… tiết kiệm hay có mục đích nào khác?

Đi tìm câu trả lời, giới chuyên môn cho rằng, Đại hội Thể thao Đông Nam Á là một sự kiện lớn của khu vực, tuy nhiên, Bóng đá cũng chỉ là một trong những môn thi đấu và vì thế, không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA. Nếu ban tổ chúc không quy định bắt buộc, việc các đội bóng in tên cầu thủ trên lưng áo hay không cũng chẳng có gì sai.

Nếu không muốn giải thích theo hướng tiêu cực là sự tùy tiện của các đội bóng ở giải đấu “ao làng”, lại là cấp độ trẻ, thì tìm đến quy định của SEA Games cho phép các đội được phép thay thế tối đa 15 cầu thủ nếu có trường hợp nhiễm COVID-19. Nhưng giả sử có trường hợp phải thay thế, người mới cũng không thể dùng lại số áo của cầu thủ trong danh sách chính thức. Mà quy định ban đầu là các đội đều có danh sách dự phòng và đương nhiên, trong tình thế này, sẽ không có sự hạn chế bắt buộc về số áo phải từ 1 đến 20 (hoặc 23 như ở các giải đấu lớn trên thế giới). Còn nói rằng “lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn áo dự phòng” chẳng khác nào sự tiết kiệm quá đà?

Có một cách giải thích khác là các đội không muốn in tên để làm đòn hỏa mù, nhất là khi Việt Nam, Thái Lan, Malaysia phải đối đầu tại bảng C giải U.23 Châu Á vào tháng 6 tới. Nghe cũng hợp lý, nhưng từ góc độ chuyên nghiệp, điều đó khó chấp nhận vì nó mang tính “khôn lỏi” nhiều hơn, trong lúc khán giả cũng cần có sự tôn trọng. Họ cần biết ai đang thi đấu trên sân chứ không phải đến xem, cổ vũ đội bóng chẳng có tên.

Nào phải ai cũng biết hết mặt các cầu thủ trẻ đâu!?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn