MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thể thao điện tử (Esports) dự SEA Games 31 từ 100% nguồn xã hội hóa. Ảnh: T.L

Cần thiết xã hội hóa thể thao

HOÀI VIỆT LDO | 29/04/2022 10:30

Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 đã được thành lập và theo danh sách là một trong số đông các đội tuyển thể thao quốc gia tham dự bằng nguồn kinh phí nhà nước. 

Từ câu chuyện của Esports và triathlon

Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 từng chia sẻ: “Khi các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao đủ khả năng chi trả việc tham dự đội tuyển thể thao quốc gia ở môn mình bằng nguồn xã hội hóa, chúng tôi luôn hoan nghênh và tạo điều kiện tối đa. 

Tuy nhiên, đặc thù thực tế là không nhiều Liên đoàn, Hiệp hội thể thao trong nước có một nguồn xã hội hóa và kinh phí mạnh nên vẫn phải thực hiện việc dự các giải đấu từ kinh phí Nhà nước”.

Với SEA Games 31, đội tuyển Esports Việt Nam có 79 thành viên tham dự còn đội tuyển triathlon Việt Nam có 21 thành viên. Quyết định thành lập Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 ghi rõ các thành viên của hai đội tuyển trên tham dự bằng nguồn kinh phí xã hội hóa bao gồm tiền ăn, ở, vé máy bay nội địa. 

Việt Nam đã thành lập Hội thể thao điện tử giải trí còn triathlon đang trong giai đoạn vận động thành lập Liên đoàn thể thao ở Việt Nam tuy nhiên việc các đội tuyển thể thao của 2 môn này tham dự SEA Games 31 có xác định mục tiêu huy chương đóng góp vào kết quả chung của Đoàn thể thao Việt Nam, nhưng chi phí góp mặt hoàn toàn tự túc từ nguồn xã hội hóa là điều phù hợp tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đây, thể thao Việt Nam từng có các đội tuyển như golf, bóng rổ tham gia Đoàn thể thao dự SEA Games cũng từ kinh phí xã hội hóa của Liên đoàn và Hiệp hội thể thao môn đấu của mình. Tuy thế, ở kỳ SEA Games 31 này, golf và bóng rổ thuộc danh sách tham dự theo ngân sách Nhà nước. Thậm chí, môn bowling vừa thành lập Liên đoàn thể thao rất tự tin với khả năng kêu gọi các nguồn xã hội hóa nhưng khi dự SEA Games 31 vẫn là từ nguồn chi của Nhà nước.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao có nguồn thu lớn nhất mỗi năm hàng chục tỉ đồng và đảm bảo tốt nhất công tác kêu gọi tài trợ, đảm bảo tài chính hoạt động từ đó đảm bảo tốt các chương trình tập luyện, thi đấu cho các đội tuyển bóng đá quốc gia. 

Bóng đá có đặc thù riêng và thành viên tham dự SEA Games 31 của bốn đội tuyển bóng đá nam U.23, bóng đá nữ, bóng đá futsal (trong nhà) nam, bóng đá futsal nữ vẫn bằng kinh phí Nhà nước. 

Tuy nhiên, do có nguồn lực mạnh của VFF, nơi ăn ở tập luyện của các đội tuyển bóng đá thường đắt tiền hơn so với các đội tuyển thể thao khác.

Bóng chuyền là môn quyết tâm đi theo phương thức kêu gọi tài trợ hiệu quả như bóng đá. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) không tìm được nhiều nguồn tài trợ xã hội hóa thật đủ mạnh để có được một sự chi trả xông xênh cho các đội tuyển thể thao quốc gia khi thi đấu giải. Vì thế, các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam góp mặt các giải SEA Games, ASIAD đều từ nguồn kinh phí Nhà nước. 

Vai trò của các liên đoàn thể thao

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh từng phân tích: “Trên thế giới, các Liên đoàn thể thao có sự vận động không ngừng để làm thế nào đạt được tính hiệu quả ở bài toán kinh tế thể thao. Chúng ta có đặt ra vấn đề đó khi tổ chức các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao quốc gia. Thực tế hiệu quả công việc thì chưa làm được nhưng qua từng năm, tất cả vẫn chỉ là rút kinh nghiệm”.

Điều duy nhất mà các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao có đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 31 lúc này đó là công bố mức treo thưởng dành riêng cho đội tuyển của mình hướng tới thành tích huy chương khi thi đấu trên sân nhà. Treo thưởng là mục tiêu và động lực cho từng tuyển thủ thi đấu, điều này luôn cần thiết.

Tuy nhiên, bài toán lâu dài vẫn là phải tự chủ được trên chính đôi chân của mình. Các môn thể thao như bắn cung, đấu kiếm, karate, pencak silat, muay, kickboxing, triathlon... là những môn đang trong quá trình vận động tìm cơ hội thành lập Liên đoàn thể thao tại Việt Nam nhưng nếu hỏi câu chuyện nguồn thu chính và có đặt mục tiêu mỗi năm kêu gọi nguồn xã hội hóa vài tỉ đồng hay không thì không nhiều lãnh đạo của môn (Tổng cục TDTT) dám khẳng định con số cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn