MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh lộn xộn trên sân cỏ V-League. Ảnh: M.T

Cần tìm ra “phương thuốc điều trị” cho bóng đá Việt Nam

HOÀI ĐAN LDO | 29/09/2017 06:14
Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc lới lãnh đạo Bộ VHTTDL, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đại diện một số bộ ngành liên quan về thực trạng bóng đá Việt Nam, cũng như tình hình tổ chức và hoạt động của VFF. 

Bên cạnh ghi nhận những việc mà VFF đã làm được, Phó Thủ tướng cũng nghiêm khắc phê bình VFF và yêu cầu cần tìm ra “phương thuốc điều trị” đúng, xử lý gốc rễ vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, doanh nghiệp đầu tư, công tác tổ chức...”.

Công tác quản lý bóng đá chưa theo kịp thực tế

Đánh giá về bóng đá Việt thời gian qua, VFF cho biết bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá phát triển rộng rãi. Cơ sở vật chất, sân bãi do nhà nước và xã hội đầu tư tăng mạnh. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, đào tạo bóng đá trẻ được thành lập. Hệ thống các giải bóng đá phong trào, chuyên nghiệp được tổ chức đều đặn ở tất cả các lứa tuổi, cấp độ.

Công tác xã hội hoá bóng đá được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển bóng đá với hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đầu tư vào các câu lạc bộ, tài trợ tổ chức các giải thi đấu…

Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều hành trong bóng đá còn nhiều tồn tại, bất cập từ phát triển bóng đá phong trào đến cơ chế vận hành tại các câu lạc bộ chuyên nghiệp, đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa được coi trọng đúng mức. Những biểu hiện tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỉ số, thi đấu bạo lực, có hành vi thiếu văn hoá vẫn còn xảy ra. Kỷ cương trong hoạt động bóng đá chưa nghiêm.

Các ý kiến tập trung phân tích nguyên nhân khiến người hâm mộ không còn mặn mà với bóng đá. Trước hết là thiếu sự nhận thức về quan điểm, mục tiêu phát triển bóng đá. Cơ chế hoạt động bất cập khiến các câu lạc bộ gặp khó khăn về nhiều mặt như tài chính, sân bãi, các tuyến đào tạo. Đặc biệt là bệnh thành tích, tư duy ngắn hạn của những người làm bóng đá. Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 trong đó coi việc phát triển bóng đá “là công cụ hữu hiệu để góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước trên trường quốc tế”.

Theo Phó Thủ tướng, điểm quan trọng nhất trong sơ kết chiến lược là phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân, nhìn nhận nghiêm khắc, quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng mục một. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu bởi chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa. Cơ cấu hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên?

Bộ VHTTDL nên tổ chức một hội nghị mở rộng để lắng nghe tất cả ý kiến của những người có chuyên môn, tâm huyết đối với bóng đá nước nhà.

“Có làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không đến là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh như dư luận phản ánh. Từ đó mới đưa ra được giải pháp, “phương thuốc điều trị” đúng, xử lý gốc rễ vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, DN đầu tư, công tác tổ chức…”, Phó Thủ tướng nói và nhắc lại “bóng đá là môn thể thao rất được quan tâm. Việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế”.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Ảnh: H.A

Ông chủ tịch lại vắng mặt…

Theo nội dung được thông báo, tại cuộc họp Bộ VHTTDL sẽ báo cáo về thực trạng bóng đá Việt Nam và tình hình tổ chức, hoạt động của VFF. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, thành phần gồm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phụ trách lĩnh vực thể thao, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Ban lãnh đạo VFF và Tổng thư ký.

Tuy nhiên, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã không tham dự cuộc họp này. Đây là sự vắng mặt đáng tiếc của người đứng đầu VFF khi nhiều nội dung quan trọng về việc củng cố VFF được đề cập đến. Tuy nhiên, những người hiểu về thượng tầng VFF nhiệm kỳ VII biết việc vắng mặt của Chủ tịch VFF đã kéo dài từ nửa cuối nhiệm kỳ vì lý do sức khoẻ và mọi việc ở VFF 2 năm qua đã được giao cho cấp phó.

Trước cuộc họp quan trọng với Chính phủ, một lãnh đạo VFF phải ngậm ngùi nói rằng trong lịch sử VFF, chưa có nhiệm kỳ nào lại “bất thường” như thế!

Một nhiệm kỳ mà cả VFF phải làm việc với Bộ VHTTDL và Chính phủ để củng cố lại những vấn đề nổi cộm nhất trong thời gian qua. Nó cho thấy những vấn đề bất cập trên cả phương diện thành tích lẫn quản lý trong thời gian vừa qua của BĐVN khiến cả xã hội đang rất quan tâm.

Đình đám không chỉ dừng lại ở vụ kiện của ông Nguyễn Văn Chương với VFF mà còn ở nhiều sự việc lùm xùm khác. Tháng 8.2016 lại có một sự việc gây ầm ĩ khác khi cả trăm cựu danh thủ bóng đá Việt Nam cùng nhau ký vào một lá đơn gửi lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc chấn chỉnh VFF. Nội dung lá đơn này là tố cáo những sai phạm, nghi ngờ liên quan tới VFF trong thời gian qua. Trong đó có cả việc những lãnh đạo bị cáo buộc nhận hối lộ, các giải bóng đá ngày càng ít khán giả, nhiều CLB thuộc một ông chủ… Mặc dù nhiều vấn đề được đề cập trong lá đơn là thiếu căn cứ, thế nhưng sau đó Bộ VHTTDL vẫn phải có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này tới Tổng cục TDTT.

Khi Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ VHTTDL chuẩn bị đề án củng cố VFF, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.2017, nhiều người đã nói rằng đã đến lúc cần một cuộc “cải tổ”.

Sau cuộc làm việc với Chính phủ, chắc chắn nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục được đưa ra “mổ xẻ”. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là “tầm nhìn” của tân chủ tịch nhiệm kỳ VIII và vấn đề là bóng đá Việt Nam chờ đợi một ông chủ tịch xứng tầm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn