MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chanathip Songkrasin (trái) và Theerathon Bunmathan (phải) thành công khi xuất ngoại, hơn hẳn các cầu thủ Việt Nam gần đây. Nguồn Bangkok Post

Cầu thủ Thái khi xuất ngoại lại thành công hơn hẳn...

ĐĂNG VĂN LDO | 01/05/2020 08:55

Thành tích của Đội tuyển Thái Lan gần đây không bằng Việt Nam nhưng các tuyển thủ Thái khi xuất ngoại lại thành công hơn hẳn.

Các phóng viên Nhật Bản vừa tổ chức bầu chọn đội hình ngoại binh hay nhất giải vô địch quốc gia (J.League 1) 2019. Có 2 cầu thủ Thái Lan là Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan đã được vinh danh, nhờ phong độ xuất sắc cho câu lạc bộ. Họ sánh ngang với các ngoại binh nổi tiếng khác, trong đó có danh thủ từng vô địch World Cup, EURO là Andres Iniesta.

“Messi Thái” Chanathip Songkrasin khoác áo Consodale Sapporo và chơi rất thăng hoa 2 mùa giải vừa qua. Bởi vai trò quan trọng của tuyển thủ Thái, đội bóng Nhật Bản đã bỏ ra số tiền 2,4 triệu euro để mua đứt anh từ Muangthong United. Còn hậu vệ cánh trái Theerathon Bunmathan góp phần quan trọng giúp Yokohama F.Marinos đăng quang J.League 2019, với 25 lần ra sân, ghi 3 bàn và có 4 pha kiến tạo. Cũng như Chanathip, Theerathon Bunamthan cũng được mua đứt với giá “triệu đô”.

“Thành tích của tuyển Thái Lan gần đây có thể thua Việt Nam nhưng cầu thủ của họ khi xuất  ngoại lại thành công hơn hẳn. Điều này khiến chúng ta phần nào đó cay cay”, bình luận viên Quang Huy nhận xét về sự khác biệt giữa 2 nền bóng đá. Cũng như Việt Nam, các cầu thủ Thái Lan sang nước ngoài cũng bắt đầu bằng hợp đồng cho mượn. Nhưng sau đó bằng tài năng và có môi trường thi đấu phù hợp, họ đã dần dần khẳng định vị trí quan trọng, xóa bỏ hoàn toàn những nghi ngại về việc xuất ngoại vì mục đích thương mại.

Trước Chanathip và Theerathon, cầu thủ Việt Nam đã tấn công thị trường J.League. Lần lượt Lê Công Vinh, Công Phượng và Tuấn Anh đã khoác áo các đội Consodale Sapporo, Mito Hollyhock và Yokohama. Thế nhưng số lần ra sân của các tuyển thủ này chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể trụ lại dù rằng khi đó các đội này chỉ đá ở J.League 2.

Ngoài Nhật Bản, cầu thủ Thái Lan cũng đã thành công tại Hàn Quốc (K.League). Tiền đạo Piyapong Pue-on từng khoác áo Lucky-Goldstar (tiền thân của FC Seoul) từ năm 1984 đến 1986, đoạt chức vô địch quốc gia và danh hiệu Vua phá lưới. Hơn 30 năm sau, Việt Nam mới có cầu thủ sang K.League nhưng cả Xuân Trường lẫn Công Phượng đều để lại nhiều thất vọng trong thời gian khoác áo Incheon United, Gangwon FC. Họ gây chú ý nhờ các hoạt động, vai trò ngoài sân cỏ, trên mạng xã hội hơn tài năng trên sân cỏ.

Nhìn nhận công tâm, cầu thủ Việt Nam chưa đủ sức để trụ lại ở giải đấu trên tầm V.League, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến các giải Châu Âu. Ngay cả Đoàn Văn Hậu, cầu thủ hội đủ những yếu tố để xuất ngoại cũng chưa thể tìm được chỗ đứng tại SC Heerenveen của Hà Lan. Sự trưởng thành cũng như những đóng góp của Văn Hậu là điều đáng ghi nhận nhưng xét về những kỳ vọng, rõ ràng cầu thủ trẻ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt đã thất bại khi chưa một lần đá chính, chưa có chỗ đứng.

Trên bảng xếp hạng FIFA, Tuyển Việt Nam đứng hạng 94 thế giới, hơn Thái Lan đến 19 bậc. Thành tích của bóng đá Việt Nam 3 năm qua cũng “ăn đứt” đối thủ, từ việc vô địch AFF Cup, đoạt HCV SEA Games, vào tứ kết Asian Cup… Nhưng rõ ràng về chuyện xuất ngoại, cầu thủ Việt Nam phải học đồng nghiệp Thái Lan nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn