MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuấn Anh và Duy Mạnh cũng chỉ mới bình phục chấn thương trước khi lên đường sang Qatar. Ảnh: VFF

Cầu thủ tiêm thuốc giảm đau và những hậu quả

TAM NGUYÊN LDO | 08/01/2024 08:42

Huấn luyện viên Philippe Troussier khá bức xúc khi biết một số cầu thủ Việt Nam tiêm thuốc giảm đau để thi đấu, tuy nhiên, chuyện đó không mới. Vấn đề là hậu quả sẽ đến trong tương lai chứ không phải hiện tại.

Dùng thuốc giảm đau không phải chuyện mới

Trong buổi họp báo hôm 4.1, công bố đội hình đội tuyển bóng đá nam tham dự Asian Cup 2023, Huấn luyện viên Philippe Troussier có phần bức xúc khi chia sẻ thông tin về chuyện một số cầu thủ phải nén đau hoặc dùng thuốc giảm đau để ra sân thi đấu cho câu lạc bộ của họ. Việc thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam bức xúc hoàn toàn có thể hiểu, nhưng nếu ông bất ngờ về chuyện đó, giới chuyên môn sẽ… bất ngờ với sự cập nhật của ông.

Mở trang tìm kiếm trên mạng và ghi nội dung “cầu thủ dùng thuốc giảm đau”, trong vòng 0,28 giây, có hơn 23 triệu kết quả về thông tin liên quan.

Trong những thông tin xuất hiện đầu tiên, có cả tên Hoàng Đức - cầu thủ không được điền vào danh sách đội tuyển vì đang chấn thương.

Không chỉ Hoàng Đức, tuyển Việt Nam đợt này còn vắng 8 cầu thủ khác vì chấn thương. Với việc chấn thương của Hoàng Đức được dự kiến vài tuần là bình phục, nếu cố, anh vẫn có thể được đến Qatar, được ra sân thi đấu ở thời điểm nhất định. Nhưng ông Troussier đã có lựa chọn của mình. Đó là sự an toàn cho Hoàng Đức và các trụ cột khác, vì sự nghiệp của họ quan trọng hơn.

Cũng trên trang tìm kiếm, chuyện các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới tiết lộ chuyện uống, tiêm thuốc giảm đau xuất hiện hàng loạt, từ Lionel Messi, Sergio Ramos, Luis Suarez, Lautaro Martinez, Kevin de Bruyne, Neymar, Toni Kroos, Marcus Rashford… Và khi các ngôi sao thế giới còn vậy, cầu thủ Việt Nam không là ngoại lệ.

Trong một thông tin được Giáo sư Jiri Dvorak - cựu Trưởng bộ phận y tế của FIFA, đưa ra năm 2017, khoảng 50% số cầu thủ tham dự 3 kỳ World Cup 2006, 2010, 2014 thường xuyên uống thuốc chống viêm không có chất steroidal (một loại hợp chất hữu cơ). Và Giáo sư Dvorak cũng dùng từ “cảnh báo” để nói về vấn đề mà ông nhấn mạnh về việc “lạm dụng”.

Huấn luyện viên Troussier cũng đã nói ra điều mà Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh nói từ nhiều năm trước: “Đấy là vấn đề lớn”.

Hậu quả và tìm giải pháp phù hợp

Ai cũng biết rằng, bóng đá là môn thể thao có tính chất va chạm trực tiếp, thậm chí không va chạm nhưng khi thể lực đi xuống, một chuyển động không đúng tư thế, một pha tiếp đất không tốt cũng có thể dẫn đến chấn thương ở các mức độ khác nhau. Nhẹ thì căng cơ, có vết thâm, nặng thì liên quan đến dây chằng đầu gối, nứt/gãy xương… Có những chấn thương không quá nặng nhưng đủ gây khó chịu cho cầu thủ khi thi đấu, nên để không phải ngồi dự bị, họ dùng thuốc giảm đau.

Chưa nói đến chuyện các loại thuốc giảm đau có thể có chất nằm trong danh mục chất cấm - nhiều vận động viên đã dính doping vì như vậy, việc sử dụng thuốc giảm đau lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cầu thủ. Chấn thương dĩ nhiên làm ảnh hưởng đến phong độ, hiệu suất của cầu thủ, thuốc giảm đau giúp cải thiện (hay nói chính xác là tác nhân nâng đỡ trong nhất thời), nhưng nó hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ trong thời gian dài. Thậm chí là tính mạng.

Có nhiều giải pháp để điều trị, xử lý chấn thương, nhưng điều quan trọng phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ sự kiên nhẫn của cầu thủ, phương pháp điều trị hợp lý từ đội ngũ y tế, sự ổn định từ chuyên gia tâm lý và sự quyết đoán của huấn luyện viên trước tình trạng của cầu thủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn