MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự nghiệp của Tuấn Anh bị ảnh hưởng bởi chấn thương dai dẳng. Ảnh: VFF

Cầu thủ Việt Nam và những lần tiêm thuốc điều trị chấn thương

TAM NGUYÊN LDO | 10/01/2024 11:27

Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến tiền vệ Tuấn Anh trải qua giai đoạn khổ sở vì sự nóng vội và sai lầm trong cách điều trị chấn thương.

Sự nghiệp trắc trở của Tuấn Anh

Chấn thương trong thể thao là điều khó tránh khỏi và tùy mức độ, thời gian cần để bình phục sẽ khác nhau.

Với bóng đá, lượng vận động lớn, mức độ va đập cao, thể trạng và tư thế đều có thể dẫn đến chấn thương mức độ nặng, với thời gian nghỉ vài tháng hoặc thậm chí cả năm. Trong giai đoạn điều trị và hồi phục, ngoài phương pháp hợp lý, sự kiên nhẫn cũng như tâm lý của cá nhân cầu thủ rất quan trọng.

Nếu đủ kiên nhẫn và sự vững vàng, việc điều trị sẽ giúp cầu thủ trở lại với những hiệu quả tích cực hơn - vì ít nhất, họ có thêm kinh nghiệm trong phòng, tránh chấn thương. Ngược lại, việc nóng vội, đẩy nhanh quy trình có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.

Với bóng đá Việt Nam, một trong những cầu thủ từng phải trải qua giai đoạn gánh hậu quả như vậy là Tuấn Anh - tiền vệ được đánh giá rất cao về phẩm chất kỹ thuật. Cho đến giờ, Tuấn Anh vẫn đang khoác áo câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và cống hiến cho đội tuyển quốc gia, kinh nghiệm có thể đã dày hơn nhưng thật khó để nói đây là phiên bản tốt nhất của cầu thủ người Thái Bình. Từ năm 2013, Tuấn Anh đã dính chấn thương nặng ở đầu gối và phải phẫu thuật ở Thái Lan. 3 năm sau, một chấn thương khác ở sụn chêm đầu gối, kéo theo nhiều cách xử lý - từ tiêm thuốc cho đến phẫu thuật, nhưng kết quả không theo dự tính. Thậm chí, đến cả thông tin về phương án xử lý chấn thương cho Tuấn Anh cũng không đồng nhất.

Có thông tin rằng, vì thể trạng và cơ địa nên chỉ cần tiêm thuốc và nghỉ ngơi. Nhưng thực tế là theo phương pháp tiêm PRP - vốn được ứng dụng nhiều trong y học thể thao, nhưng với Tuấn Anh xảy ra phản ứng thuốc, chân bị phù và phải tiêm kháng sinh. Trong khi đó, các bác sĩ từ Thái Lan, Nhật Bản cho rằng chấn thương của anh phải mổ.

Các phương pháp có thể thử, có đúng hoặc chưa đúng, nhưng bản thân Tuấn Anh cũng không có sự kiên nhẫn, với lý do là “yêu và muốn chơi bóng”. Ngay cả việc xử lý vấn đề thẩm mỹ trên khuôn mặt cũng được nhắc đến, nhưng “kế hoạch phá sản”.

Những cầu thủ khác

Trường hợp của Tuấn Anh, có thể nói, là ảnh hưởng nặng nề nhất của sự kết hợp giữa nền y học thể thao chưa tốt và sự nóng vội cá nhân.

Với các trường hợp khác, hậu quả không nặng nhưng hành động khiến người ta phải suy nghĩ. Năm 2018, Công Phượng tiêm thuốc giảm đau để đá trận chung kết giải U23 châu Á, mặc dù bác sĩ của đội có nhận định về việc chấn thương “cần từ 2 đến 3 tuần để bình phục”.

Khát khao thi đấu của cầu thủ là điều đáng ghi nhận, nhưng nhận định và sự quyết liệt từ đội ngũ y tế cũng rất cần được thể hiện trong từng hoàn cảnh. Tất nhiên, bỏ lỡ một trận đấu quan trọng như vậy là đáng tiếc, nhưng sự nghiệp của cầu thủ còn dài, và thực tế là trong nhiều năm sau, Công Phượng cũng không còn là chính mình.

Cũng trong năm 2018, tại kỳ U23 châu Á ở Thường Châu đó, thủ thành người hùng Tiến Dũng cũng phải tiêm giảm đau để thi đấu tại tứ kết.

Trước đó, anh bị đau đầu gối trong thời gian dài nhưng không có thời gian và điều kiện để điều trị.

Lục lại quá khứ, Văn Toàn cũng từng phải tiêm giảm đau khi còn khoác áo Hoàng Anh Gia Lai vào giữa năm 2020. Năm 2023 vừa qua là chia sẻ của huấn luyện viên đội Nam Định về chuyện thủ môn Nguyên Mạnh “đều phải uống giảm đau để ra sân vì chấn thương dai dẳng”, để đến lúc phải đi hút dịch và tiêm thuốc.

Rồi mới đây có thêm một vài cái tên như Hoàng Đức, Đức Chiến, và còn nhiều nữa… Ở một vài thời điểm, trong thời gian ngắn hạn, việc tiêm thuốc có thể là giải pháp, nhưng để dựa vào thuốc cho mục đích ra sân, rõ ràng, cầu thủ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả về lâu về dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn