MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu Hoàng Đức hay bất kỳ cầu thủ Việt Nam nào muốn xuất ngoại trong tương lai, việc chuẩn bị kỹ càng đến từng chi tiết thực sự quan trọng. Ảnh: Thể Công Viettel FC

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại phải bắt đầu từ chi tiết nhỏ nhất

TAM NGUYÊN LDO | 20/02/2024 08:16

Cho đến lúc này, thật khó để thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của các cầu thủ Việt Nam khi có ý tưởng xuất ngoại.

Những chuyến đi không thành công

Trong 2 thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều cầu thủ xuất ngoại. Họ đều là những tên tuổi hàng đầu ở lứa tuổi của mình, tuy nhiên, không một trường hợp nào được khẳng định là thành công. Yếu tố “thành công” được đánh giá trên nhiều khía cạnh, không chỉ đơn thuần là ra sân thi đấu hay ghi bàn.

Từ châu Á tới châu Âu, những ngôi sao của bóng đá Việt Nam đã tìm cho mình cơ hội ở chân trời mới, cũng là góp phần mở ra con đường phát triển nhanh cho bóng đá nước nhà. Thế nhưng, từ thế hệ của Huỳnh Đức, Công Vinh cho đến lứa Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Văn Hậu, kết thúc của những chuyến đi đều là “không thành công”.

Không nói “thất bại”, bởi thực chất, việc có trải nghiệm, kinh nghiệm cũng là thành công nhất định trên phương diện cá nhân mỗi cầu thủ. Có nhiều lý do được đề cập để giải thích cho kết thúc buồn của những chuyến đi này, như môi trường mới mẻ, khoảng cách trình độ, khả năng hòa nhập… Nhưng, câu hỏi đặt ra là, xuất phát điểm của những lý do đó là gì?

Rõ ràng, cần phải thấy được gốc rễ của vấn đề để trong tương lai, nếu Hoàng Đức hay bất kỳ cầu thủ nào khác - kể cả Quang Hải nếu muốn có “thử thách tập 2”, cũng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Đó chính là khâu chuẩn bị.

Khi bóng đá Việt Nam phát triển, đặc biệt là giai đoạn 5 năm thành công dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã tự tin nghĩ rằng, trình độ cầu thủ đang có sự tiệm cận với tốp đầu châu Á để có thể đến với các môi trường đỉnh cao. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại. Chính chúng ta đã khiến mình tự ảo tưởng, khiến các cầu thủ cũng mơ mộng khi chân đế còn chưa đủ vững vàng.

Bắt nguồn từ sự thiếu chuẩn bị

Chuẩn bị - cả về tâm thế lẫn trình độ chuyên môn, đều cực kỳ quan trọng. Liệu họ có thực sự muốn xuất ngoại hay không, hay chỉ vì truyền thông, mạng xã hội nói nhiều về vấn đề này mà đưa ra quyết định? Trong thế giới bóng đá, các câu lạc bộ nước ngoài quan tâm đến cầu thủ ở quốc gia khác, giải bóng đá khác hoàn toàn bình thường, nhưng sâu xa của vấn đề đôi khi lại nằm ở khía cạnh khác - làm thương mại chẳng hạn.

Điều đó đã xảy ra - chứ không phải không có, với cầu thủ Việt Nam. Được một đội bóng ở châu Âu hoặc câu lạc bộ tên tuổi tại châu Á quan tâm có đồng nghĩa với việc cầu thủ thực sự đủ trình độ? Hay thương vụ chỉ hướng đến mối quan tâm dành cho đội bóng sở tại? Pau FC và Quang Hải là ví dụ.

Kể cả có những giải thích cho thương vụ Văn Hậu với SC Heerenveen là do dịch COVID-19, bản thân hậu vệ người Thái Bình cũng có những thay đổi về cá nhân (thể hình, thể lực tốt hơn) nhưng cuối cùng cũng chỉ là một cơn sóng để câu lạc bộ ở Hà Lan được quan tâm nhiều hơn từ Việt Nam.

Còn về chuyên môn thì hẳn nhiên không phải nói thêm nữa. Vậy thì, trong sự chuẩn bị, xác định điểm đến cũng có tính chất quyết định. Đến để chơi bóng, để phát triển bản thân hay trở thành “công cụ cho truyền thông”?

Hãy nghe chia sẻ của Alexis Sanchez - một trong những cầu thủ xuất sắc của bóng đá thế giới, khi đưa ra lựa chọn sai lầm (từ Arsenal sang Manchester United năm 2018) khi không có sự chuẩn bị, để thấy sự sẵn sàng quan trọng thế nào.

“Tôi nắm lấy cơ hội để chơi cho Man United. Điều đó thật tuyệt và có vẻ là sẽ tốt cho tôi. Đó cũng là đội bóng tôi yêu thích từ nhỏ. Vậy nên, tôi đã ký hợp đồng mà không cần hỏi kỹ về những gì hiện tại lúc đó ở câu lạc bộ.

Đôi khi có những thứ bạn sẽ không nhận ra cho đến khi bạn thực sự ở đó. Tôi nhớ rằng, chỉ sau buổi tập đầu tiên thôi, tôi đã vỡ lẽ ra rất nhiều điều. Tôi về nhà rồi liền hỏi người đại diện và người thân rằng, liệu mình có thể hủy hợp đồng ở đây và quay lại Arsenal được không. Họ chỉ biết cười khi nghe tôi nói thế. Sau vài tháng, tôi vẫn có cảm giác y hệt vậy”.

Sắp tới, Hoàng Đức có muốn ra nước ngoài hay không? Anh đã sẵn sàng hay chưa? Tìm kiếm bến đỗ nào phù hợp? Việc học hỏi các vấn đề ngoài sân cỏ (giao tiếp, hòa nhập…) ra sao? Đủ thứ phải trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn