MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cây cầu, SEA Games và chuyện mua đội bóng Ngoại hạng

LÊ VINH LDO | 03/12/2021 10:46
Hoàn thành một cây cầu dài vài chục mét ngang qua sông chi phí gần 38 tỉ đồng. Ban tổ chức SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam hy vọng kêu gọi được 70 tỉ đồng tiền tài trợ. Một Chủ tịch hãng hàng không ở Việt Nam đặt tham vọng mua một câu lạc bộ tại giải Ngoại hạng Anh với con số có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD... 

3 vấn đề chả liên quan về mặt nội dung, nên dĩ nhiên sự liên hệ là khía cạnh tài chính. Cây cầu phục vụ dân sinh, không quá đặc biệt, mọi người vẫn được mời gọi “ngắm diện mạo”, để rồi với từng đấy tiền, người ta hỏi đắt hay rẻ?

SEA Games là một sự kiện lớn của thể thao khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đăng cai lần thứ hai sau gần 2 thập kỷ. Trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, việc kêu gọi tài trợ và có được từng đồng đều quý, nhưng người ta lại tự hỏi, với quy mô như thế, chừng đó là nhiều hay ít?

Nếu lấy chi phí 300 triệu bảng (không phải USD) mà Tập đoàn đầu tư công của Saudi Arabia mới mua lại câu lạc bộ Newcastle - đội đang đứng cuối bảng xếp hạng Premier League, làm thước đo, thì tỉ phú Việt Nam, kể cả có tìm được đội nào “rẻ” hơn, cũng phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng. Mà đấy mới là chi phí mua, chưa tính đến các vấn đề khác.

Tương lai thế nào thì chưa biết, nhưng với ý tưởng như thế, có những vấn đề cần đặt câu hỏi. Thứ nhất, thể thao đứng ở đâu trong sự phát triển của xã hội? Thứ hai, thể thao đã làm gì để yếu thế đến vậy? Thứ ba - câu hỏi và cũng là câu trả lời luôn cho 2 câu hỏi trên, là thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có nên thay đổi, gắn liền với kinh doanh để phát triển?

Nhiều năm qua, thể thao Việt Nam không thể tự nuôi sống mình, lỗi tại ai? Tại sao nhiều doanh nghiệp, doanh nhân không muốn đầu tư vào thể thao, vào bóng đá Việt Nam? Thực ra là có, vì chính ông Chủ tịch của hãng hàng không từng đầu tư vào một câu lạc bộ, nhưng trên cái nền bóng đá mang tên chuyên nghiệp nhưng vận hành còn nhiều vấn đề, sự đầu tư không sinh lời. Mà khi đầu tư không phải vì tình yêu thể thao, việc gì phải cố sống, cố chết “cày bừa trên mảnh đất cằn”. Để rồi, tham vọng vươn hẳn sang… trời Âu!

Rốt cuộc thì vẫn cứ phải tự mình vận động, tìm ra con đường để thể thao vừa là thi đấu đỉnh cao, vừa có yếu tố rèn luyện, giải trí, vừa tạo ra nền tảng gốc cho tiềm năng sinh lợi tài chính. Mà gốc gác thì xuất phát từ vấn đề văn hóa, thay đổi góc nhìn, thay đổi cách nghĩ, cách làm, đến một lúc nào đó đủ khỏe để chuyện tài trợ trở thành cuộc “chạy đua”, một cuộc đấu giá của các doanh nghiệp chứ không phải đi xin. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn