MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các vận động viên tại Giải Vô địch Điền kinh Quốc gia 2023. Ảnh: Thủ Khúc

Chế độ của vận động viên và bài toán của các đơn vị quản lý

HOÀI VIỆT LDO | 12/06/2024 08:49

Trong 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện có 65 đơn vị (cùng ngành Quân đội, Công an Nhân dân) tham gia công tác về lĩnh vực thể dục thể thao. Rất nhiều ý kiến cho rằng, điều cấp thiết phải giải quyết được là thay đổi để lương của vận động viên tăng cao hơn. So với mặt bằng chung hiện tại, lương của vận động viên còn thấp.

Đơn vị nào cũng xây dựng chế độ cho vận động viên

Nội dung từng được Cục Thể dục - Thể thao đề cập tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 là “vận động viên thể thao không thuộc đối tượng được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chính sách lương được thực hiện tương đương với những lao động trong những công việc, ngành nghề làm việc ở điều kiện lao động bình thường”.

Thực tế, từng địa phương, ngành đều ban hành quy định riêng của mình về chế độ hỗ trợ cho vận động viên khi đạt kết quả thi đấu.

Quảng Bình đang sở hữu tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng giành suất Olympic Paris (Pháp) 2024 và là gương mặt số 1 làng bơi Việt Nam. Tỉnh này có Nghị quyết Quy định chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình (áp dụng từ 1.1.2024) đó là nếu giành mỗi Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, Huy chương Đồng tại giải vô địch quốc gia thì vận động viên được hưởng chế độ hỗ trợ tương ứng 8 triệu đồng, 6 triệu đồng và 4 triệu đồng/tháng. Việc hỗ trợ kéo dài trong 12 tháng. Riêng vận động viên nữ hưởng thêm 20% định mức tương ứng về chế độ đãi ngộ quy định.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là các đơn vị thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho vận động viên đạt kết quả cao ở các giải quốc tế, trong nước theo chu kỳ. Đơn cử, thể thao Hà Nội là đơn vị đầu tiên áp dụng chính sách hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng dành cho vận động viên đạt suất Olympic hoặc được dự World Cup bóng đá. Việc hỗ trợ kéo dài 48 tháng (4 năm). Trong khi đó, thể thao TP Hồ Chí Minh có quy định cụ thể và một trong những điểm tích cực là nếu vận động viên được tập trung đội tuyển quốc gia sẽ nhận hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng, tập trung đội trẻ quốc gia nhận hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/tháng.

Thể thao Việt Nam đã có 11 suất Olympic Paris (Pháp) 2024. Trong đó, những đơn vị có vận động viên đạt được suất quan trọng trên gồm An Giang (boxing, xe đạp), Hà Nội (boxing), Công an Nhân dân (bắn súng), TP Hồ Chí Minh (bắn súng), Đồng Nai (cầu lông), Vĩnh Phúc (canoeing), Đà Nẵng (rowing), Quảng Bình (bơi), Bắc Ninh (cử tạ), Quân đội (cầu lông).

Theo quy định của An Giang, vận động viên, huấn luyện viên khi giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và Huy chương Đồng giải vô địch quốc gia hoặc Đại hội Thể thao toàn quốc sẽ được thưởng tương ứng 8 triệu đồng, 4 triệu đồng, 2 triệu đồng.

Bài toán đường dài

“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề thể thao, có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm động viên, khích lệ vận động viên thể thao. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập. Do vậy, giải pháp về lâu dài là tiếp tục đổi mới cách tiếp cận để giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể hệ thống chính sách vừa qua; đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới, trong đó có các chính sách hỗ trợ về nhà ở, công việc cho vận động viên thể thao thành tích cao...”, đó là một trong những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng khi được các Đại biểu Quốc hội chất vấn ở ngày 5.6 và 6.6 mới đây.

Sau khi giải nghệ, vận động viên có nhiều hướng lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Để tiếp nối sự nghiệp là làm huấn luyện viên, họ cần một nơi công tác nhưng rõ ràng không phải đơn vị nào cũng có nhu cầu tuyển dụng.

Lúc này, thể thao Việt Nam đang phát triển các mô hình xã hội hóa thể thao, các câu lạc bộ thể thao phù hợp với nhu cầu người dân cần tập luyện và những cựu vận động viên hoàn toàn đủ cơ hội để là những huấn luyện viên trong các mô hình đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn