MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đặng Hà Việt - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao tại sự kiện rước đuốc SEA Games 32 diễn ra tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Bùi Lượng

Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao sẽ sớm ban hành

HOÀI VIỆT LDO | 21/02/2024 11:00

Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được xây dựng và trình cấp quản lý. Chiến lược kỳ vọng sẽ sớm được ban hành để đưa vào thực hiện.

Chiến lược có ý nghĩa then chốt

Tại cuộc làm việc cùng báo chí (ngày 1.2), Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã khẳng định, Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một chương trình lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đây là chiến lược quan trọng mà ngành thể thao tham mưu, xây dựng qua đó có nhiều mục tiêu then chốt hướng đến phát triển lĩnh vực thể thao trong cả nước nói chung.

Kết thúc Chiến lược cũ, việc triển khai một Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn mới ở bối cảnh trong nước và quốc tế giai đoạn 2021-2030 có nhiều thay đổi, tạo ra thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với công tác thể dục thể thao là quan trọng.

Tại Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới của Bộ Chính trị, một nội dung được đưa ra cụ thể là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.

Chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học; khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hoá. Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã cho biết, Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được trình và ngành rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành, từ đó lĩnh vực thể thao sẽ thực hiện cụ thể từng nhiệm vụ trong đó.

Khi Chiến lược ban hành, mục tiêu đầu tư cụ thể hơn

Mục tiêu cao nhất của thể thao Việt Nam là giành từ 12 đến 15 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Mục tiêu dài hơi hơn là chúng ta phấn đấu có ít nhất từ 25 đến 30 vận động viên vượt qua vòng loại Olympic năm 2028.

Trong giai đoạn từ năm 2031 đến năm 2045, có vận động viên giành được huy chương Olympic. Đây chỉ là một trong những nhiệm vụ cơ bản về thể thao thành tích cao được đưa ra trong Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để có được kết quả cao nhất này, thể thao Việt Nam phải thực hiện các chương trình đầu tư, xây dựng lực lượng mà ở đó ngành thể thao có các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm vận dụng trên thực tế.

Tính riêng với vòng loại Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta đã và sẽ thi đấu giải vòng loại nhiều môn gồm: Điền kinh, bắn súng, cử tạ, bơi, thể dục dụng cụ, bóng bàn, đấu kiếm, boxing, taekwondo, judo, vật, xe đạp, đua thuyền, bắn cung, cầu lông... Trên hết vẫn phải giành được suất chính thức đến với Olympic. Tuy thế, nhiệm vụ chuyên môn trong tập luyện, thi đấu đối với đấu trường SEA Games, ASIAD rất đặc thù, có tính chất quan trọng riêng.

Trả lời trên báo ngay khi Bộ Chính trị có Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt cho biết: “Các công việc liên quan tới thể thao là hoạt động thường xuyên. Chúng tôi sẽ thực hiện gồm công việc trước mắt và công việc giải quyết lâu dài. Giai đoạn hiện tại của năm 2024, ngành thể thao tập trung vấn đề liên quan tới thể thao thành tích cao.

Một số nội dung quan trọng là hoạt động ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư khoảng 12 tới 15 môn thể thao trọng điểm nhằm xây dựng lực lượng đấu trường ASIAD, Olympic. Song song với việc đó, vấn đề dài hạn được thực hiện tập trung là xây dựng nhiều chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm hướng tới ASIAD, Olympic. Ngành thể thao có rất nhiều kế hoạch để thực hiện trong thời gian tới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn