MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HLV Trịnh Quốc Hưng luôn quan niệm “Thành tích của các cầu thủ trẻ sẽ đến từ cái tâm của người làm thầy”. Ảnh: Xuân Thuỷ

Chữ thầy, chữ tình ở “lò Hoàng Anh… Gia Lâm”

AN NGUYÊN LDO | 20/11/2020 06:44
Những người làm công tác đào tạo trẻ, nuôi dạy các cậu bé tập đá bóng được xem là những ông thầy đúng nghĩa trong thế giới bóng đá.

Điều hoà và… điều thầy muốn nói

Huấn luyện viên (HLV) Trịnh Quốc Hưng đã có nhiều năm làm việc ở Trung tâm đào tạo và huấn luyện bóng đá Hà Nội (trực thuộc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội). Những dãy nhà cũ kỹ, những sân tập với dăm ba ổ gà lại sản sinh ra những nhà vô địch thực thụ. Huy Hùng, Đức Huy, Hùng Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng… đều trưởng thành từ lò đào tạo đặt tại Gia Lâm.

Cũng bởi dàn cầu thủ này tài năng và danh tiếng như vậy nên nơi đây vẫn thường được giới bóng đá gọi chệch đi bằng cái tên “Hoàng Anh... Gia Lâm”. Tây Nguyên có Gia Lai thì Thủ đô có Gia Lâm. Nhưng ở Gia Lâm, mọi thứ vẫn bình lặng và ít ai chú ý đến trung tâm này.

“Đến bây giờ, tôi nghĩ rằng Trung tâm đào tạo và huấn luyện bóng đá Hà Nội đã tốt hơn trước rất nhiều rồi. So với các trung tâm như Viettel, PVF, HAGL hay Juventus thì đúng là khó, nhưng so với một số lò của đội bóng địa phương thì Hà Nội chí ít cũng đã ngang bằng hoặc nhỉnh hơn. Đây là điều mà những người làm thầy chúng tôi mong mỏi” - HLV Trịnh Quốc Hưng phấn khởi.

Nhưng, vẫn có những câu chuyện phía sau mà cựu cầu thủ này không nhắc đến, đó là chuyện về chiếc điều hoà. Trước đây, trung tâm này không hề có điều hoà trong phòng ngủ của các vận động viên. Tưởng tượng giữa mùa hè nóng như đổ lửa ở Hà Nội, buổi trưa và buổi tối không điều hoà thì khó có thể ngon giấc. Mà khi không ngủ đủ, sức đâu mà tập bóng đá? Vậy là những người thầy “vô danh” ở trung tâm ấy lặng lẽ gom góp tiền túi để đi lắp điều hoà cho các học trò. Không phải là những chiếc điều hoà mới, đắt tiền nhưng có thể hoạt động tốt, là đủ làm dịu đi cái nóng. Đó là nghịch lý khó giải thích của thể thao thành tích cao Hà Nội. Thành tích có, tiềm năng có nhưng vẫn chưa nhận được nguồn đầu tư thực sự tương xứng.

Và cũng chính sự tận tâm của người thầy khiến các học trò nhỏ càng cố gắng hơn trên sân tập. Những cậu bé hiểu rằng họ có thể thua trong một vài trận đấu nhưng ít nhất đừng làm thầy của mình phiền lòng trên sân tập. Có lẽ, chiếc điều hoà đã nói thay điều thầy muốn gửi đến trò.

Thầy cũng rơi nước mắt như bố mẹ học trò

“Tôi không biết các trung tâm khác như thế nào nhưng cá nhân tôi và các thầy khác ở đây đều coi học trò như con mình, phải như thế thì mới có thể làm tốt được công việc của mình. Không có các con thì làm sao có mình, tôi lại nghĩ như vậy, không có trò thì mình dạy ai? Thành tích sẽ đến một phần không nhỏ từ cái tâm của người thầy” - anh Hưng chia sẻ.

Đôi khi, các HLV ở các trung tâm đào tạo trẻ cũng như một người cha về mặt tinh thần và cả người mẹ ở khoản chăm sóc học trò. Ở lứa tuổi từ 11 đến 15, dù phải xa nhà và có thể là tự lập hơn các bạn đồng trang lứa, thế nhưng vẫn là những đứa trẻ. Chuyện thầy phải lo bữa ăn, giấc ngủ là điều quá bình thường.

Cựu cầu thủ Hà Nội ACB nhớ lại: “Thật ra việc kiêm luôn nhiều nhiệm vụ chưa bao giờ khiến chúng tôi phiền lòng nhưng đó là điều không xảy ra ở các trung tâm lớn. Nhưng cũng nhờ việc gắn bó trong cuộc sống khiến thầy trò trở nên tình cảm hơn nhiều. Tuổi ấy nhiều khi không phải cứ nói là trò nghe, có lúc phải rèn bằng biện pháp mạnh mà tôi ứa nước mắt”.

Vị HLV điển trai thừa nhận rằng mình là người… mau nước mắt. Anh nhiều lần khóc vì các học trò và vui buồn thì lẫn lộn. Khi là những lần chia tay thế hệ cầu thủ xuất sắc ở các giải đấu trẻ, khi thì lại khóc thầm trong sung sướng vì học trò thành công. Nhưng cũng có cả sự tiếc nuối vì học trò trượt dài.

“Tôi không thể nhắc tên cậu học trò ấy, nhưng đó cũng là lần mà nỗi buồn theo tôi rất lâu. Biết là bóng đá hay cuộc sống thì không có chữ nếu. Vậy nhưng nếu cậu ấy nghe lời các thầy, con đường trở thành một ngôi sao lớn đã rộng mở. Cầu thủ ấy rất tài năng nhưng giờ còn không thể theo bóng đá chuyên nghiệp” - HLV Trịnh Quốc Hưng bồi hồi.

Nghiệp làm thầy trong bóng đá, nhiều người nói nó thật bạc. Nhưng với HLV Trịnh Quốc Hưng, các học trò chính là lý do để anh luôn yêu và theo nghề. Và “chỉ khi Hà Nội không cần tôi, đuổi thì tôi đi” thì “thầy Hưng “chốc” mới chia tay cái lò đạo tạo bên đất Gia Lâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn