MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bầu Đức - Bầu Tú đang là tâm điểm của sự chú ý trong dư luận thời gian qua. Ảnh: H.A

Chuyện bầu Tú, bầu Đức cũng do cơ chế VFF mà ra

TRỊNH MINH HUẾ (cựu cầu thủ Thể Công, ĐTQG) LDO | 16/04/2018 10:17
Từ những vấn đề “nóng” trước thềm Đại hội khoá 8 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), những “tranh cãi” của bầu Tú, bầu Đức, chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế đã đưa ra những quan điểm của mình, trên Lao Động.

1. Sau tất cả những diễn biến thời gian qua của bóng đá Việt Nam, tôi thấy nguyên nhân các vấn đề cũng đều do cơ chế, quy chế, điều lệ hoạt động của VFF đã quá lỗi thời so với trên thế giới. Chính điều này đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề bất cập.

Tôi cho rằng không thể tồn tại việc ông chủ của các đội bóng nằm trong bộ máy lãnh đạo liên đoàn được. Anh vừa làm chủ đội bóng, vừa làm quan chức, anh lãnh đạo ai nghe. Bên cạnh đó, các lãnh đạo đội bóng, thành viên CLB cũng không thể nằm trong BCH VFF được. Điều này không đúng với quy định của FIFA. Các vị trí đó phải do các chuyên gia, cựu cầu thủ, nhà báo hoặc danh nhân thành đạt... tham gia. Có như vậy mới khiến cho hoạt động mang lại hiệu quả và đảm bảo tính khách quan.

Do vậy, tất cả từ ông chủ tới lãnh đạo chỉ đạo các CLB không được cơ cấu vào BCH VFF, không được đóng cổ phần để thành cổ đông trong hội đồng quản trị Công ty tổ chức thi đấu VFF. Như hiện tại, nhiều lãnh đạo đội bóng khác tham gia ban chấp hành VFF. Đâu có Liên đoàn bóng đá trên thế giới nào như vậy. Điều này rõ ràng là bất cập trong quy chế, quy định của VFF.

2. Việc VPF là tổ chức điều hành, quản lý trực tiếp các giải bóng đá chuyên nghiệp, trực thuộc VFF. Thế nhưng, VPF ban đầu lại do chính các công bầu của các đội bóng lập ra, tổ chức giải đấu, còn các CLB là cổ đông. Đây cũng là điều nghịch lý mà không đâu trên thế giới có. Việc này không khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ khó mang lại tính khách quan, thuyết phục được. Trước đây, chính những ông chủ nằm trong bộ máy lãnh đạo của VPF là những ông chủ của các đội V.League, điều này rõ ràng sẽ khiến cho giải đấu thiếu tính minh bạch, khách quan.

Bây giờ, quyền lực ở VPF do bầu Tú nắm giữ trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Trong khi đó ông Tú đang là Uỷ viên thường trực VFF, sắp tới ra ứng cử Chức danh Phó Chủ tịch VFF khoá 8. Đây cũng là điều hết sức nghịch lý so với tôn chỉ, mục đích ban đầu mà VPF lập là ra hoạt động độc lập với VFF. Và những người trong cuộc lý giải rằng điều này luật không cấm. Thế nên càng cho thấy chính thứ cơ chế, những quy định đã tạo ra việc ông Tú có thể kiêm nhiệm một cách hợp pháp như vậy.

3. Thời gian qua, các ông bầu “đấu đá”, công kích nhau trên báo chí. Tôi thấy rằng không có ai đúng, ai sai trong câu chuyện “tranh giành quyền lực”. Tất cả đều do chính từ cơ chế, quy định của VFF mà ra. Họ công kích nhau vì điều gì? Tất cả đều để lo giữ ghế và đẩy ghế của nhau. Chính điều lệ hoạt động, những bất cập trong quy chế quản lý của VFF làm nảy sinh những bất cập, từ đó khiến những ông bầu lấy đó là lý lẽ của riêng mình trong vấn đề đưa ra quan điểm và cách làm bóng đá.

Hay như câu chuyện bầu Đức tuyên bố sẽ bỏ giải nếu bầu Tú thắng cử tại Đại hội VFF khoá 8. Tôi thấy đây là câu chuyện không mới. Thực tế, trong quá khứ cũng từng có nhiều ông chủ đã bỏ giải. Vấn nạn này được xem là đã có tiền lệ. Nếu việc này xảy ra, theo tôi lỗi đầu tiên là của VFF. Anh làm nhà quản lý nhưng lại để tình trạng các CLB bỏ giải một cách dễ dàng. Nay các ông chủ thích thì đá bóng, mai không thích thì bỏ giải. Vậy quy chế, quy định của VFF rõ ràng đã không thật sự chặt chẽ. Nhìn vào quá khứ, có thể thấy VFF để các ông chủ lập đội quá dễ để rồi giờ họ tuyên bố bỏ giải cũng rất nhanh. Điều này trách các ông chủ 1 thì trách cơ chế của VFF 10.

Thực tế, ở đây không chỉ riêng của câu chuyện anh Đức mà là vấn đề chung. Điều này thuộc về trách nhiệm của VFF và những người quản lý bóng đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn