MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Câu chuyện của Than Quảng Ninh cũng là lời cảnh báo cho V.League. Ảnh: VPF

Chuyện buồn đất Mỏ và lời cảnh báo cho V.League

AN NGUYÊN LDO | 12/12/2020 11:15
Mấy ai nghĩ rằng một đội bóng như Than Quảng Ninh lại rơi vào thảm cảnh như bây giờ, nhưng nhìn rộng ra từ câu chuyện một đội bóng chỉ biết nằm chờ “rút ống thở” thì đó cũng là một phần của bức tranh chân thực phản ánh sự thiếu bền vững về tài chính của các đội bóng chuyên nghiệp ở Việt Nam.

“Nhà giàu cũng khóc”

Kể từ thời điểm Than Quảng Ninh trở lại sân chơi V.League vào năm 2014, đây là một đội bóng có thể xếp vào diện “nhà giàu”. Dù không sở hữu những bản hợp đồng thuộc diện “bom tấn” nhưng bất kể cầu thủ nào đến với Than Quảng Ninh đều được hưởng mức lương, phí “lót tay” thuộc diện tốt.

Cứ sau mỗi trận thắng, chủ tịch Phạm Thanh Hùng chưa bao giờ tiếc tay thưởng thêm cho cầu thủ mà ông coi như con cháu trong nhà. Trên khán đài, những gì cổ động viên Than Quảng Ninh làm được khiến cả giải đấu phải thèm muốn. Họ tạo ra một biển người rợp sắc xanh với phong cách cổ vũ chuyên nghiệp, máu lửa. Vé vào sân Cẩm Phả thì lúc nào cũng “cháy”, trở thành món hàng được “săn lùng” ở Quảng Ninh thời điểm đó.

Những năm sau đó, dù Than Quảng Ninh không còn là tâm điểm của sự chú ý thì họ vẫn bước đi theo được một lộ trình được vạch sẵn. Đội bóng được chăm chút về mặt hình ảnh, rất ít xuất hiện những vụ việc lùm xùm. Về chuyên môn, những ngôi sao là bộ mặt của Than Quảng Ninh như Xuân Tú, Hồng Quân, Hải Huy, Tuấn Linh… được kết hợp với những gương mặt trẻ tiềm năng ở địa phương. Than Quảng Ninh cũng là đội bóng hiếm hoi mà lối chơi được định hình rõ ràng qua nhiều năm. Niềm tin mà chủ tịch Phạm Thanh Hùng đặt vào HLV Phan Thanh Hùng là vô cùng chuẩn xác. Chiến lược gia này xây dựng cho Than Quảng Ninh một chân đế vững chắc, chỉ cần tập trung vào việc “săn Tây” chất lượng thay vì phải bổ sung tràn lan các vị trí.

Than Quảng Ninh phối hợp có đường nét, chơi bóng có mảng miếng. Bởi vậy, bằng một đội hình mà cầu thủ ngoại thì “tầm trung”, nội binh cũng chỉ có vài ba gương mặt nằm ở nhóm đầu nhưng họ vẫn đều đặn xuất hiện trong Top 5 V.League. Kể cả khi ra biển lớn châu lục, đại diện đất Mỏ cũng không phải cúi đầu, dù thành tích chưa thể gọi là thành công.

Nhưng một thực tế phũ phàng rằng những sản phẩm từ bóng đá Than Quảng Ninh không tạo ra một dòng tiền “tự thân”. Nguồn kinh phí hoạt động 7-80 tỉ đồng/năm của họ đến từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nan, nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh và tiền túi của Chủ tịch Phạm Thanh Hùng. Những nguồn kinh phí này mang đậm tính hỗ trợ chứ không phải nguồn thu từ bóng đá.

Khi bóng đá buộc phải đặt dưới những khoản đầu tư khác quan trọng hơn, mọi thứ bỗng trở nên khó khăn hơn với Than Quảng Ninh khi “tiền chưa về”. Và giờ thì đội bóng chỉ còn lại trên giấy tờ khi gần như giải tán, chỉ biết chờ được “cứu”...

Lời cảnh báo cho V.League

Nhiều đội bóng ở V.League có lẽ cũng chẳng thể vui mừng trước số phận như “mành chỉ treo chuông” của Than Quảng Ninh. Bức tranh ấy phản ánh thực tại chung của V.League mà nhiều người hoặc là chưa nhìn ra, hoặc là chưa muốn nhìn thẳng vào thực tế.

Một ví dụ đơn giản, bầu Đức với niềm đam mê bóng đá mãnh liệt và một chút “ngông” chẳng ngại ngần công kích bầu Hiển chuyện “thằng gầy, thằng béo”. Nhưng nếu bầu Hiển quyết định dừng cuộc chơi, rất nhiều cầu thủ sẽ “thất nghiệp”. Bao nhiêu người muốn đầu tư cho một đội bóng kiểu như Quảng Nam nếu chỉ vì bóng đá? Câu trả lời chắc chắn là không. Không ai biết chắc suy nghĩ hay toan tính của bầu Hiển khi đầu tư bóng đá. Nhưng bầu Hiển yêu bóng đá là thật, điều này nhiều doanh nhân không có và không dám đánh đổi với thị phi khi làm bóng đá.

Hay câu chuyện ở Thanh Hoá trong khoảng 2-3 năm vừa qua cũng có nhiều nét tương đồng với Than Quảng Ninh. Đội bóng xứ Thanh từ một đại gia đích thực, đua vô địch với Hà Nội bỗng trở thành “kẻ khốn cùng” khi Tập đoàn FLC “bỏ chạy”. Quá trình ấy chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng với sự ra đi của hầu hết những ngôi sao lớn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá dù rất yêu, đam mê và ủng hộ sự phát triển của bóng đá nhưng cũng không làm cách nào gồng gánh đội bóng mãi được. Thanh Hoá lao xuống đáy bảng xếp hạng và bầu Đệ được “cầu viện” trở lại.

Chưa dám tưởng tượng đội bóng xứ Thanh sẽ ra sao nếu họ phải xuống hạng ở V.League 2019. Chẳng có gì dám chắc Thanh Hoá sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để trở lại hay tiếp tục một kiếp “sống mòn” ở hạng Nhất rồi dần lụi tàn như Nam Định nhiều năm về trước.

Ngay cả một đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam như SLNA cũng loay hoay với bài toán tài chính. Lò đào tạo sản sinh ra hàng trăm cầu thủ chất lượng, chưa khi nào Đội tuyển Việt Nam không có cầu thủ quê Nghệ An. Nhưng việc đi tìm nguồn kinh phí thì vẫn khiến “Khổng Minh xứ Nghệ” Hồng Thanh phải đau đầu.

Nói vậy để thấy, chuyện buồn từ đất Mỏ thực chất cũng là vấn đề chung của hầu hết các đội bóng tại V.League. Khi mà chưa thể tự kiếm tiền, chí ít là để đỡ đần cho các ông bầu thì số phận các đội bóng vẫn cứ mong manh. Nguồn tiền đó phải “tự thân” từ bóng đá chứ không thể là nguồn tài trợ từ ông bầu hoặc từ những pha “cầu viện” kiểu thời vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn