MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công bố bản quyền phát sóng Euro 2024 thuộc về TV360. Ảnh: Diệu Linh

Chuyện khó, dễ về bản quyền truyền hình

HOÀI VIỆT LDO | 07/12/2023 06:27

Ngày 6.12, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) tổ chức sự kiện công bố bản quyền phát sóng Euro 2024 thuộc về TV360. Theo đó, TV360 độc quyền toàn bộ quyền khai thác phát sóng và truyền thông UEFA EURO 2024 trên tất cả các hạ tầng truyền hình, mạng xã hội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Môn có sức hút chưa hẳn đã dễ bán bản quyền truyền hình

Bóng đá là môn thể thao đạt sức hút nhất hành tinh. Vì thế, bất kỳ giải đấu thuộc cấp độ quốc gia đối với vô địch thế giới (World Cup), vô địch châu Âu (EURO) hay vô địch châu Mỹ Latin (Copa America) thì nhiều nhà đài, đơn vị truyền hình muốn sở hữu bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam.

Với người hâm mộ tại Việt Nam lúc này, nhiều giải vô địch quốc gia có tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình gồm bóng đá, cầu lông, bóng rổ, quần vợt, bóng chuyền. Rất dễ hiểu, đây là những môn có sức hút trong xã hội. Giải bóng đá Vô địch quốc gia V.League có bản quyền truyền hình (đơn vị FPT Play của Tập đoàn FPT đã mua bản quyền truyền hình V.League từ năm 2023 đến năm 2027 với giá trị khoảng gần 60 tỉ đồng/năm).

Các giải vô địch quốc gia bóng rổ, cầu lông, quần vợt, bóng chuyền hiện được phát trực tiếp trên hệ thống VTVCab. Dù thế, gói bản quyền truyền hình là không cao về giá trị. Nếu không muốn nói rằng, đây là sự hợp tác đôi bên giữa Liên đoàn hiệp hội thể thao của môn đó cùng đơn vị sản xuất và phát sóng truyền hình nên mức phí chỉ tượng trưng hoặc chưa có.

Nguyên do chính trong việc bản quyền truyền hình (có hoặc chưa có) tại nhiều giải thể thao các môn ngoài bóng đá ở Việt Nam không cao là do sức hút tài trợ không có, giá trị quảng cáo nhỏ, lẻ. Cũng như, phí thu dành cho người xem truyền hình chưa lớn.

Vì vậy, ngoài bóng đá, chưa Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao của các môn khác ở Việt Nam được lợi nhuận từ bản quyền truyền hình giải đấu của mình.

Các Đại hội cũng có quy luật

Theo dõi thực tế truyền hình mọi người thấy rõ, các giải đấu quốc tế của môn bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, cầu lông hay golf khi được phát trực tiếp tại Việt Nam là có người xem. Tỉ lệ số người xem trực tiếp đã cho thấy ít nhất những môn này tạo được tính hấp dẫn riêng.

Một số nhà đài chấp nhận bỏ chi phí mua bản quyền trực tiếp những giải quốc tế của nhóm môn trên ở Việt Nam. Chiều ngược lại, nhóm môn thể thao về Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm... hay nhóm môn võ thuật đặc thù của mình, kén khán giả, khó tạo được sức hút nên gần như truyền hình ở Việt Nam không mua bản quyền những giải quốc tế của môn trên. Sức hút từ các môn này chỉ được người xem đón nhận là khi nó tranh tài tại các Đại hội thể thao như SEA Games, ASIAD hay Olympic.

Tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam lần thứ nhất năm 2023 tổ chức tháng 6.2023, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã nhìn nhận: “Vai trò của kinh tế thể thao và trực tiếp là bản quyền truyền hình giải đấu rất quan trọng với thể thao chuyên nghiệp bởi đây là nguồn lợi chính đáng của các giải đấu, các môn thể thao. Tuy nhiên, làm thế nào để một giải đấu bán được bản quyền truyền hình lại không dễ giải vì nó có rất nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là môn thể thao cụ thể bán được bản quyền truyền hình có phải món ăn tinh thần, tạo được thói quen theo dõi của người hâm mộ hay không”.

ASIAD 19 vừa qua là lần hiếm hoi, không đài truyền hình hay đơn vị kinh doanh bản quyền nào ở lãnh thổ Việt Nam mua bản quyền truyền hình của ban tổ chức. Nguyên do, phí bản quyền truyền hình được chào bán giá cao (15 triệu USD).

Trở lại với bài toán bản quyền truyền hình giải đấu các môn thể thao trong nước, các nhà kinh doanh rất kỳ vọng sẽ khơi thông được dòng chảy bản quyền truyền hình với nhiều môn đấu nhưng thực tế cho thấy sự thành công chỉ đến khi nền kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần và thói quen yêu thích thể thao đã được nâng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn