MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên môn sâu nhảy xa nhưng Thu Thảo phải tham dự chạy tiếp sức trong màu áo CLB chủ quản. Ảnh: NGỌC HẢI

Chuyện ở giải VĐQG điền kinh 2017: Bài toán khó sau những “bộ sưu tập Huy chương Vàng”

HOÀI VIỆT LDO | 23/10/2017 10:00

Hôm nay (23.10), Giải Điền kinh toàn quốc 2017 chính thức thi đấu trên SVĐ Thống Nhất (TPHCM) và mọi chú ý sẽ hướng về những ngôi sao vừa mới lập chiến công ở SEA Games 29, giúp điền kinh Việt Nam giành 17 HCV, lật đổ sự thống trị của người Thái. Và câu chuyện cùng những câu hỏi quanh một bài toán như nghịch lý lại được đặt ra, y hệt vấn đề của bơi Việt Nam…

“Giây thun cũng có lúc nhão”

Chắc chắn, những VĐV như Lê Tú Chinh (TPHCM), Nguyễn Thị Huyền (Nam Định), Quách Thị Lan (Thanh Hóa)... tiếp tục là gương mặt được chú ý tại Giải Điền kinh toàn quốc năm nay. Họ đang là sao sáng của điền kinh nữ nước nhà và cũng là những tên tuổi mạnh nhất tại nội dung của mình nên nhận được sự quan tâm là điều rất dễ hiểu.

Ở Giải điền kinh VĐQG 2016, Tú Chinh dự đủ 4 nội dung (100m, 200m, tiếp sức 4x100m, 4x200m) và giành trọn 4 HCV, trong khi Huyền cùng Lan cũng góp mặt tại các nội dung 400m, 400m rào, tiếp sức 4x400m. Tại SEA Games 29-2017 mới đây, Tú Chinh dự các nội dung 100m, 200m, tiếp sức 4x100m và giành 3 HCV cho điền kinh Việt Nam tại Malaysia, còn Nguyễn Thị Huyền vô địch 400m, 400 rào và tiếp sức 4x400m nữ SEA Games 29.

Giống như trường hợp Ánh Viên, gần như mọi nội dung thi đấu điền kinh ở giải VĐQG đều sớm được “ấn định” chủ nhân của các tấm HCV do sự vượt trội về chuyên môn. Thế nên, giống như bơi lội, một vấn đề tranh cãi đang nảy sinh khi có một câu hỏi từ nhiều năm qua được đưa ra: Có cần thiết hay không khi để tuyển thủ điền kinh đã đạt thành tích vượt trội tại SEA Games, Châu Á vẫn thi đấu để gom huy chương ở giải toàn quốc?

Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT - ông Dương Đức Thủy - từng bày tỏ quan điểm: “Các đơn vị, kể cả một số địa phương vừa có VĐV trên ĐTQG từng đấu SEA Games, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á (AIMAG) đều huy động lực lượng mạnh nhất đăng ký đấu giải điền kinh toàn quốc 2017. Dưới góc độ chuyên môn, tôi từng đưa ý kiến trao đổi cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT rằng, có cần thiết để các VĐV đã đạt thành tích cao trong đấu quốc tế tham dự giải toàn quốc hay không. Có lãnh đạo ngành đồng ý, cho rằng điều này giúp VĐV được giảm tải thi đấu và tránh chấn thương không đáng có, đồng thời chúng ta tập trung tối đa nguồn lực VĐV nòng cốt cho ASIAD 2018.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự toàn quốc thì VĐV mang thành tích về cho địa phương và họ thêm thu nhập thông qua thành tích, nên khó có thể đề xuất các địa phương “hy sinh” thành tích, không cho gương mặt nổi bật nhất của điền kinh tham dự.

Có nên chăng, chúng ta tư duy theo hướng VĐV đã đạt thành tích tầm Châu Á và SEA Games cần được địa phương tạo cơ chế đặc cách để giảm tải. Nếu đề xuất này được thực hiện, việc giảm tải thi đấu cho VĐV sẽ hiệu quả và rất cần thiết. Năm 2018, điền kinh Việt Nam sẽ dự ASIAD, bắt đầu vòng loại Olympic 2020, tham dự các giải quốc tế lớn nên những mũi nhọn cần được tính toán kỹ về chu kỳ vận động, luyện tập và thi đấu. Cải thiện chất lượng là mục tiêu quan trọng hàng đầu chứ không nên chỉ là số lượng huy chương.

Cường độ của VĐV điền kinh như một chiếc giây thun, nếu cứ căng mãi mà không giảm tải thì sớm bị nhão, hết đàn hồi…”.

Bỏ thì ai lấy thành tích cho địa phương?

Giải điền kinh toàn quốc luôn thu hút hơn 50 đơn vị cùng hơn 400 VĐV tham dự các nội dung. Với các môn khác, đây là con số ấn tượng và đáng ngưỡng mộ. Thực tế, chỉ một vài đơn vị truyền thống về điền kinh cử đủ lực lượng đông dự giải toàn quốc như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nam Định, Quân đội, Công an nhân dân... Số đơn vị có VĐV dự giải điền kinh toàn quốc chưa đến 5 người luôn chiếm nửa trong 50 đoàn.

Do vậy, đơn vị nào cũng phải dồn sức cho VĐV chủ lực. Minh chứng rất rõ, tại Giải điền kinh VĐQG 2016, nhiều người bất ngờ thấy Bùi Thị Thu Thảo tham gia đội tiếp sức 4x100m nữ của Hà Nội, dù chuyên môn sâu của Thảo là nhảy xa. Hay Lê Trọng Hinh (Thanh Hóa) chỉ sở trường 100m, 200m nhưng được yêu cầu tham gia tiếp sức 4x400m nam tranh huy chương. Rồi Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) mạnh ở 3.000m chướng ngại vật vẫn thi đấu 1.500m. Nguyên nhân là do quân số không đủ, địa phương phải ghép người và tìm sự góp mặt phù hợp nhất.

“Chúng tôi không cổ súy điều đó. Mỗi địa phương có quan điểm riêng trong tranh thành tích huy chương, nhưng VĐV phải căng ra thi đấu như vậy bị ảnh hưởng nhiều đến chuyên môn đấu, đó là điều chắc chắn” - ông Thủy từng phân tích và bày tỏ lo ngại về bất cập như là nghịch lý của điền kinh Việt Nam.

Ngày còn thi đấu, cựu VĐV Vũ Thị Hương chưa bao giờ vắng mặt tại giải điền kinh toàn quốc, dù đẳng cấp của cô đã qua Đông Nam Á vươn tầm Châu Á. Do đó, một giai đoạn dài, cựu VĐV này thống trị hoàn toàn nội dung 100m, 200m nữ và không gương mặt trẻ nào bứt qua được đàn chị này.

Năm 2017, Lê Tú Chinh (TPHCM) là một trong những VĐV thi đấu nhiều nhất. Tài năng sáng giá này đang vô địch tuyệt đối nội dung 100m, 200m tại giải trong nước và đã dự rất nhiều giải gồm Cúp Thống Nhất (tháng 4), 3 chặng Grand Prix Châu Á 2017 (tháng 4), Thái Lan mở rộng (tháng 6), Giải điền kinh quốc tế TPHCM (tháng 7), SEA Games 29-2017 (tháng 8), AIMAG 2017 (tháng 9), giải VĐQG 2017 (tháng 10)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn